Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới thảo luận về đại dịch toàn cầu

Hội nghị năm nay sẽ tập trung vào các chủ đề như chiến lược toàn cầu nhằm ứng phó và ngăn chặn đại dịch; vai trò của Đức, châu Âu và WHO trong chăm sóc sức khỏe toàn cầu và phân bổ công bằng vaccine.
Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới thảo luận về đại dịch toàn cầu ảnh 1Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Sinopharm tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới ngày 24/10 đã khai mạc tại thủ đô Berlin của Đức.

Hội nghị là một trong số diễn đàn quốc tế quan trọng nhất về sức khỏe toàn cầu, diễn ra trong bối cảnh cả thế giới đang phải tiếp tục gồng mình ứng phó với đại dịch COVID-19, vốn đã lây lan cho trên 244 triệu người và trên 4,96 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

Diễn ra thường niên từ năm 2009 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Bệnh viện Charité ở Berlin, hội nghị năm nay sẽ kéo dài trong ba ngày từ 24-26/10, với sự xuất hiện trực tiếp tại Berlin của một số chính khách và diễn giả trong khi phần lớn được tiến hành theo hình thức trực tuyến.

Hội nghị năm nay sẽ tập trung vào các chủ đề như chiến lược toàn cầu nhằm ứng phó và ngăn chặn đại dịch; vai trò của Đức, châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong chăm sóc sức khỏe toàn cầu và phân bổ công bằng vaccine; cũng như biến đổi khí hậu và y tế toàn cầu.

Trên 6.000 người từ các lĩnh vực y tế, chính trị và kinh tế cùng 380 diễn giả từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham dự hội nghị, được Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) và Tổng giám đốc WHO đồng bảo trợ.

Phát biểu trong một phiên thảo luận sáng 24/10, Giám đốc điều hành Bệnh viện Charité, Giáo sư-Tiến sỹ Heyo Kroemer đã kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Theo ông Kroemer, đại dịch xảy ra trên toàn thế giới đã cho thấy rõ sự cần thiết phải hành động phối hợp và trao đổi kiến thức, chuyên môn một cách không bị cản trở.

Tối 24/10, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng một số nhân vật thuộc các tổ chức, công ty dược như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Roche và Bayer AG đã có phát biểu khai mạc hội nghị.

[Kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu vì công bằng vaccine ngừa COVID-19]

Trước đó, với vai trò là một trong các nhà bảo trợ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gửi thư chúc mừng hội nghị. Theo nhà lãnh đạo Đức, đại dịch COVID-19 tiếp tục là thách thức to lớn với thế giới với những biến thể mới hay triệu chứng COVID kéo dài mà thế giới chỉ có thể cùng hợp tác mới vượt qua được đại dịch.

Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới chính là cơ hội để chia sẻ những phát hiện, nghiên cứu, đồng thời thảo luận về những gì cần thiết để ngăn chặn, phòng ngừa đại dịch một cách hiệu quả trên quy mô toàn cầu. Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh việc phân bổ vaccine một cách công bằng.

Bà nêu rõ mọi người dân trên thế giới cần được tiếp cận với vaccine và đây là con đường duy nhất để vượt qua đại dịch, trong đó sáng kiến phân bổ vaccine COVAX của Liên hợp quốc là quan trọng nhất và thế giới sẽ chỉ có thể đạt được thành công bền vững thông qua hành động đa phương và đoàn kết quốc tế.

Thủ tướng Merkel cho rằng đại dịch lần này chưa phải là cuộc khủng hoảng y tế cuối cùng, do vậy thế giới cần phải chia sẻ kinh nghiệm với nhau, từ đó rút ra bài học và tổng hợp các nguồn lực để đảm bảo có thể được trang bị tốt nhất để phòng vệ trước các bệnh truyền nhiễm bùng phát trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục