Hội nghị thượng đỉnh y tế: Nâng sức khỏe toàn cầu lên một tầm cao mới

WHO chỉ rõ để có một “cấu trúc y tế” mới với sự gắn kết và bao trùm, cần phải thực hiện một cách tiếp cận toàn cầu mới, trong đó ưu tiên tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.
Hội nghị thượng đỉnh y tế: Nâng sức khỏe toàn cầu lên một tầm cao mới ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 14/6/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự đồng tâm hợp lực của thế giới trong ứng phó với thách thức chung, song cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có tiền lệ này cũng bộc lộ những điểm yếu của nhiều hệ thống toàn cầu.

Hậu COVID-19, các cú sốc về năng lượng, lương thực và tài chính đang một lần nữa đe dọa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cũng như nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Liên hợp quốc.

Có thể nói chưa bao giờ vấn đề sức khỏe lại trở nên nghiêm trọng và cấp bách như vậy đối với các nhà lãnh đạo thế giới. Tại Hội nghị thượng đỉnh y tế thế giới (WHS) vừa diễn ra trong 3 ngày từ 16-18/10 ở Berlin (Đức), hơn 4.100 đại biểu, trong đó có hàng trăm diễn giả, nhà khoa học, nghiên cứu... từ hơn 140 quốc gia cùng khoảng 60.000 người qua trực tuyến, tham dự 60 phiên họp trong khuôn khổ hội nghị, đều thừa nhận rằng cần phải điều chỉnh và củng cố chiến lược y tế toàn cầu để phù hợp hơn với các ưu tiên về sức khỏe cũng như các mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều nhận thức sâu sắc về các cuộc khủng hoảng chồng chéo trên khắp thế giới đang gây ra những cái chết và bệnh tật có thể ngăn chặn được."

Theo ông, đây là những cuộc khủng hoảng quy mô lớn và phức tạp, song "không phải vì thế mà không thể vượt qua.” Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ António Guterres khẳng định: “Sức khỏe tốt là nền tảng cho xã hội hòa bình và ổn định". Vì thế tất cả mọi người cần được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách toàn diện, công bằng và bình đẳng, điều này bao gồm cả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Chủ tịch WHS Axel Pries cho rằng việc WHS lần đầu tiên đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh chung với WHO cho thấy quyết tâm và cam kết đặc biệt hướng tới mục tiêu đưa y tế toàn cầu trở thành một lựa chọn chính trị. Ông Axel Pries kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện quyết tâm này để "đảm bảo cuộc sống lành mạnh cho tất cả mọi người trong một hành tinh khỏe mạnh.”

WHS 2022 kêu gọi cam kết chính trị bền vững nhằm xây dựng lộ trình cho một tương lai khỏe mạnh và bình đẳng hơn cũng như chuẩn bị tốt hơn trước những cú sốc trong tương lai. Trên thực tế, đại dịch COVID-19 đã cho thấy những lỗ hổng cản trở việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe và gây ra sự gián đoạn đáng kể trong việc cung cấp các dịch vụ sức khỏe.

Trên toàn cầu, biến đổi khí hậu và suy thoái hệ sinh thái, cũng như dịch bệnh và thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất, thời gian và cường độ, đang tạo ra những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và hạnh phúc của con người. Do tác động ngày càng lớn đối với sức khỏe, giới chức y tế toàn cầu kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp đối với cuộc khủng hoảng khí hậu đang ở mức độ cấp thiết. Một cách tiếp cận kép về giảm thiểu và thích ứng là cần thiết vào lúc này.

[WHO đưa ra các khuyến nghị để đẩy lùi đại dịch COVID-19]

Các nhà khoa học tính toán chi phí để ngăn chặn các đại dịch tương tự có thể xảy ra trong thập niên tới sẽ chỉ bằng 2% thiệt hại tài chính ước tính do COVID-19 gây ra. Các chiến lược phòng ngừa như vậy cũng sẽ đi kèm với những lợi ích đáng kể đối với khí hậu và đa dạng sinh học.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phát bệnh chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, từ giai đoạn ủ bệnh đến giai đoạn đại dịch sẽ giảm đáng kể nếu chi phí để ngăn chặn được tăng lên. Trong mối tương quan nghịch đảo này, con người ngăn chặn càng sớm thì càng tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, hiện mối quan tâm, chú ý mới của chỉ tập trung vào việc phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó ở giai đoạn sau. Chuyên gia Cristina Romanelli của WHO cho biết chỉ 3% ngân sách hiện tại để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai là dành cho công tác phòng ngừa ban đầu (trước khi bùng dịch), trong khi 97% còn lại được đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị thứ cấp.

Hội nghị thượng đỉnh y tế: Nâng sức khỏe toàn cầu lên một tầm cao mới ảnh 2Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

Bên cạnh đó, chuyển đổi kỹ thuật số đối với các hệ thống y tế có thể cải thiện khả năng tiếp cận và theo dõi sức khỏe với quy mô lớn, mang lại cơ hội mới để cải thiện sức khỏe cho mọi người. Việc khai thác sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số là cần thiết để đạt được bao phủ sức khỏe toàn dân.

Theo Chiến lược Toàn cầu về y tế kỹ thuật số 2020-2025 mà WHO triển khai, các mô hình tài chính bền vững là điều kiện tiên quyết để thực hiện các chiến lược quốc gia về y tế kỹ thuật số cũng như theo dõi sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, cho đến nay đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng y tế và kỹ thuật số cũng như môi trường pháp lý còn yếu.

Đại dịch COVID-19 đã cho thấy ngày nay các dịch bệnh có thể lây lan nhanh chóng với mức độ nguy hiểm đến thế nào. Nguy cơ gia tăng quy mô bùng phát dịch bệnh và tỷ lệ lây nhiễm phần lớn là do quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, nạn phá rừng đang diễn ra và sự tương tác ngày càng tăng giữa con người với động vật...

Tuy nhiên, những hậu quả tàn khốc của đại dịch cũng cho thế giới một bài học, đó là cần phải củng cố “cấu trúc y tế,” trong đó nhu cầu cấp thiết là cam kết toàn cầu và quốc gia nhằm đạt được tiến bộ bền vững đối với Bao phủ chăm sóc y tế toàn dân (UHC).

WHO chỉ rõ để có một “cấu trúc y tế” mới với sự gắn kết và bao trùm, cần phải thực hiện một cách tiếp cận toàn cầu mới, trong đó ưu tiên tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật, chứ không chỉ điều trị bệnh như hiện nay. Như khẳng định của Tổng Giám đốc WHO, chăm sóc sức khỏe là công việc của toàn xã hội, và đây là yếu tố chủ chốt góp phần nâng sức khỏe toàn cầu lên một tầm cao mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục