Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu tại Paris nhằm cải cách hệ thống tài chính quốc tế đã kết thúc ngày 23/6, với những bước tiến khiêm tốn hướng tới việc giảm gánh nặng nợ do các cuộc khủng hoảng kinh tế và khí hậu tại các nước đang phát triển.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị chịu sức ép trong việc đạt các kết quả rõ ràng sau hai ngày thảo luận, khi các nền kinh tế đình trệ do nợ tăng sau các cuộc khủng hoảng liên tiếp trong những năm gần đây.
Hội nghị diễn ra khi nhận thức gia tăng về các thách thức tài chính phía trước, với các cảnh báo việc thế giới có thể khống chế mức tăng nhiệt độ hay không phụ thuộc vào việc tăng mạnh đầu tư cho năng lượng sạch ở các nước đang phát triển.
Khi các nước giàu phá vỡ các cam kết tài trợ cho chống biến đổi khí hậu, các nước đang phát triển đang chờ đợi những tiến triển rõ nét.
Nhóm V20, gồm các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và hiện có 58 thành viên, cho rằng việc tái cơ cấu hệ thống tài chính toàn cầu phù hợp với các mục tiêu về khí hậu cần hoàn thành trước năm 2030.
Bà Mia Mottley, Thủ tướng Barbados, quốc đảo Caribe bị đe dọa trước tình trạng nước biển dâng và các cơn bão, đã ủng hộ mạnh mẽ việc cải tổ vai trò của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong kỷ nguyên của khủng hoảng khí hậu.
Barbados đã đưa ra kế hoạch chi tiết nhằm cải cách hệ thống tài chính toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đầu tư vào năng lượng sạch và nâng cao khả năng chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu.
[Báo Đức: Hội nghị Thượng đỉnh NATO 2024 sẽ diễn ra ở thủ đô Washington]
Trong khi đó, Giám đốc Điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva cho biết mục tiêu huy động 100 tỷ USD theo quyền rút vốn đặc biệt cho quỹ chống đói nghèo và biến đổi khí hậu đã đạt được.
Chủ tịch WB, Ajay Banga, cho biết thể chế này sẽ triển khai cơ chế dừng thanh toán nợ với những nước chịu tác động của một cuộc khủng hoảng.
Tại Hội nghị, một nhóm các nước giàu và các ngân hàng phát triển đa phương đã cam kết tài trợ 2,7 tỷ USD cho Senegal, hỗ trợ quốc gia châu Phi này giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, Zambia, quốc gia vỡ nợ sau khi đại dịch bùng phát, nhận được sự hỗ trợ tài chính khi chủ nợ chính là Trung Quốc và các chủ nợ khác nhất trí tái cơ cấu 6,3 tỷ USD nợ.
Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển cần nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm để các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn được đưa ra vào năm 2020, sẽ được thực hiện trong năm nay.
Trong tuần này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết đầu tư hàng năm cho năng lượng sạch ở các nước nghèo cần tăng lên gần 2.000 tỷ USD trong một thập kỷ./.