Tổng thống Emmanuel Macron đã chọn không mời bất kỳ tổng thống nào của châu Phi tham dự sự kiện được tổ chức ngày 8/10 tại Montpellier mà nội dung chủ yếu tập trung vào xã hội dân sự với vai trò trung tâm của tầng lớp trẻ tuổi.
Trong quan hệ quốc tế, cũng như các lĩnh vực khác, một hội nghị thượng đỉnh không nhất thiết thể hiện một chính sách. Tuy nhiên, theo đánh giá của báo Le Monde, sự kiện giữa châu Phi và Pháp ít ra cũng mang lại một số gợi ý về cách thức ông Emmanuel Macron dự định đổi mới mối quan hệ phức tạp của Pháp với lục địa này.
Thực vậy, “hội nghị thượng đỉnh mới” này, với chủ đề "Thanh niên và xã hội dân sự," theo thuật ngữ chính thức, được cho là sự kiện đánh dấu sự thay đổi trong phương pháp luận và nhận thức về mối quan hệ giữa hai bên.
Khoảng 3.000 khách mời tham dự, bao gồm hơn 1.000 thanh niên đến từ bên kia bờ Địa Trung Hải, trong số đó có gần 350 doanh nhân, các tổ chức xã hội dân sự châu Phi, Pháp và hải ngoại có các cuộc gặp và nói chuyện bàn tròn về các chủ đề kinh tế, văn hóa và chính trị, quản trị dân chủ…
"Bối cảnh hiện nay ở một số quốc gia châu Phi khiến cuộc thảo luận này trở nên đặc biệt nhạy cảm nhưng cũng đồng thời rất cần thiết," Điện Elysée khẳng định.
Điểm mới lạ của hội nghị lần này nằm ở chỗ lần đầu tiên các Tổng thống châu Phi vắng mặt kể từ năm 1973, thời điểm diễn ra cuộc họp đầu tiên của hình thức ngoại giao này trong bối cảnh đầy biến động và khó khăn trong quan hệ Pháp-Phi.
Sự kiện lần này cũng diễn ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Pháp-Algeria căng thẳng, khủng hoảng chính trị giữa Paris với Mali, nơi sắp có sự hiện diện của quân đội Pháp, tiếp đến là các vấn đề của Pháp đối với Chad, Senegal, Côte d'Ivoire hay Guinea và cuối cùng là vấn đề di cư... Tất cả đều liên quan đến nền tảng di sản thuộc địa.
Theo lý giải của Điện Elysée, “Montpellier là một loại hội nghị thượng đỉnh đảo ngược, nơi những người thường không được mời tham dự loại sự kiện quốc tế kiểu này sẽ là trung tâm của sự kiện”. Đó là nơi “lắng nghe tiếng nói của giới trẻ châu Phi và thoát khỏi các công thức và mạng lưới lỗi thời."
Phủ Tổng thống Pháp cũng cho biết hình thức mới này sẽ giúp những người trẻ tuổi "có thể trở thành những nhân tố chủ chốt trong các mối quan hệ của 10 hoặc 20 năm tới."
[Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn hàn gắn quan hệ đồng minh với Mỹ]
Vì thế sẽ không có mặt Paul Biya, Tổng thống Cameroon từ năm 1982, cũng chẳng có Nor Ali Bongo đứng đầu Gabon đầy tranh cãi từ năm 2009. Cũng không còn những người đảo chính mặc quân phục ở Chad, Mali hay Guinea.
Không thể có mặt Alassane Ouattara, người đã kéo gần đứt sợi dây dân chủ mong manh của đất nước mình bằng cách giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba trong khi trước đó đã hứa không tranh cử. Đây chỉ là một vài điểm danh không đầy đủ về những khiếm khuyết dân chủ ở châu Phi, nơi Paris vẫn nuôi ý định đóng một vai trò nào đó.
Trước khi sự kiện diễn ra, Điện Elysée đã giải thích quan điểm của mình đối với xã hội dân sự: "Pháp xác định dân chủ không phải là vấn đề có thể mặc cả giữa các nguyên thủ quốc gia. Đây không phải là hội nghị thượng đỉnh của những nhà đối lập chính trị mà là của những người đã tham gia các phong trào công dân, các blogger, các nhà hoạt động…”.
Tất nhiên, cách tiếp cận mới của Pháp không thuyết phục được tất cả những người vắng mặt. “Chúng ta phải đề phòng những tác động xấu. Lấy tình trạng quản trị tồi tệ ở một số quốc gia làm lý do thúc đẩy xã hội dân sự có thể sẽ càng đẩy nhanh sự phi pháp hóa các nhà nước," một bộ trưởng ở khu vực Sahel bày tỏ quan điểm.
Hơn một năm trước, một định dạng thượng đỉnh hoàn toàn khác đã được xem xét mà lý do không phải do các ràng buộc của đại dịch COVID-19. Hội nghị thượng đỉnh châu Phi-Pháp lần thứ 28 lẽ ra đã được tổ chức vào tháng 6/2020 tại Bordeaux để chào đón 54 nguyên thủ quốc gia, chủ yếu từ châu Phi, và hàng trăm công ty của Pháp và châu Phi.
“Về các hội nghị thượng đỉnh truyền thống với châu Phi, quan điểm của Tổng thống Macron là phải thể hiện ở quy mô châu lục và do vậy, đó sẽ phải là hội nghị thượng đỉnh châu Phi-châu Âu. Hội nghị này sẽ được tổ chức (vào năm 2022) dưới sự chủ trì của Pháp trong vai trò chủ tịch EU," Điện Elysée thông báo.
Hội nghị thượng đỉnh "truyền thống" cuối cùng với châu Phi được Pháp tổ chức tại Bamako vào tháng 1/2017, chỉ vài tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của François Hollande.
Ông François Hollande đã chọn nơi này để ca ngợi thành tích của mình ở Mali, nơi "nền dân chủ đã trở lại quỹ đạo" và nơi "những kẻ khủng bố không còn kiểm soát bất kỳ vùng lãnh thổ nào," ngụ ý nhờ sự can thiệp quân sự của Pháp năm 2013.
Nhưng chỉ vài năm sau, tháng 8/2020, các binh sỹ Mali đã dùng vũ lực đánh đuổi Tổng thống đắc cử Ibrahim Boubacar Keïta. Các nhóm vũ trang nổi dậy (Hồi giáo hoặc cộng đồng) ngày càng kiểm soát thêm nhiều lãnh thổ Mali và xuất khẩu bạo lực sang các nước láng giềng.
Paris đã giảm bớt sự hiện diện quân sự trong khu vực và căng thẳng hiện tại giữa Bamako và Pháp cho thấy những khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ hòa bình tại khu vực ảnh hưởng cũ, nơi đang trở thành chiến trường ngoại giao với sự cạnh tranh quyết liệt của các cường quốc khác (Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…).
Nếu các tổng thống của châu Phi không có mặt tại hội nghị Montpellier thì Emmanuel Macron chắc chắn hiện diện ở đó. Tổng thống Pháp đối thoại trong phiên họp toàn thể với những người trẻ tuổi đến từ 12 quốc gia châu Phi (Nam Phi, Angola, Burkina Faso, Cameroon, Côte d'Ivoire, Kenya, Nigeria, Mali, Niger, Cộng hòa Dân chủ Congo, Senegal, Tunisia) và tất nhiên, không phải tất cả số này đều nói tiếng Pháp.
Sự hiện diện của nhóm nước này là kết quả lựa chọn từ các cuộc tham vấn kéo dài suốt nhiều tháng do nhà trí thức Achille Mbembe thực hiện ở khắp châu lục. Là người phê bình gay gắt kiểu quan hệ "Françafrique" và chủ nghĩa thực dân mới tự do, nhà triết học người Cameroon là người chịu trách nhiệm chuẩn bị cuộc gặp mới lạ này.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức dân sự đã lên tiếng phê phán “hội nghị thượng đỉnh bất đối xứng” này, trong đó có hai hiệp hội ATTAC và Survie. Những tổ chức này có chung quan điểm rằng bất chấp hội nghị, tinh thần thực dân mới vẫn hiện diện.
Ở châu Phi, Pháp vẫn áp đặt sự thống trị về tiền tệ, kinh tế, ngoại giao và văn hóa, theo đuổi các biện pháp can thiệp quân sự và ủng hộ các chế độ coi thường nhân quyền và ngăn cản sự giải phóng của các dân tộc.
Tổng thống Pháp phải giải đáp những câu hỏi này trong cuộc thảo luận với những người trẻ tuổi đến từ châu Phi. Ông cũng phải đưa ra tổng kết ban đầu về những sáng kiến được đưa ra sau khi thông báo lộ trình thúc đẩy quan hệ với châu Phi tại Đại học Ouagadougou, Burkina Faso, tháng 10/2017.
Tại đó, phát biểu trước giới trẻ, ông đã hứa làm trong sạch mối quan hệ giữa Pháp với châu lục và công bố một số hành động mang tính biểu tượng mạnh mẽ: xây dựng chính sách di sản mới đối với châu Phi trong đó có việc hoàn trả các tác phẩm nghệ thuật cho các quốc gia xuất xứ; khởi công một công trình tưởng niệm đặc biệt thể hiện vai trò của Pháp trong thời kỳ diệt chủng người Tutsi ở Rwanda năm 1994...
Ngoài ra, còn là các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực có chủ quyền như quốc phòng và an ninh, hoặc thậm chí tiền tệ và những cáo buộc Pháp ủng hộ một số chế độ chuyên chế ở châu lục./.