Hội nghị thượng đỉnh NATO: Khối quân sự "mở cửa" với Macedonia

NATO đã mời Macedonia khởi động các cuộc đàm phán để tham gia tổ chức này sau khi nước này giải quyết được mâu thuẫn kéo dài nhiều thập kỷ qua với Hy Lạp.
Hội nghị thượng đỉnh NATO: Khối quân sự "mở cửa" với Macedonia ảnh 1(Nguồn: Independent Balkan News Agency)

Ngày 11/7, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã mời Macedonia khởi động các cuộc đàm phán để tham gia tổ chức này sau khi Skopje giải quyết được mâu thuẫn kéo dài nhiều thập kỷ qua với Hy Lạp bằng một thỏa thuận đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Phát biểu sau khi các lãnh đạo NATO thống nhất tại hội nghị ở Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định cánh cửa của NATO vẫn và sẽ luôn rộng mở, các lãnh đạo đã thống nhất mời Skopje khởi động tiến trình đàm phán gia nhập NATO.

Ông Stoltenberg khẳng định Macedonia sẽ có thể trở thành thành viên mới nhất của khối nếu tên mới của quốc gia này được chấp thuận trong cuộc trưng cầu ý dân vào cuối năm nay. Một khi tất cả các tiến trình cần thiết trong nước được hoàn tất nhằm hợp pháp hóa thỏa thuận đổi tên nước thì Macedonia sẽ trở thành thành viên thứ 30 của NATO.

Về phần mình, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev hoan nghênh tuyên bố mới đánh dấu "ngày vĩ đại" trong lịch sử quốc gia này và thể hiện những quốc gia bè bạn và đối tác trong khu vực đã lắng nghe nguyện vọng và cam kết của Macedonia.

[Quốc hội Macedonia lần thứ hai thông qua thỏa thuận đổi tên nước]

Theo quy định của NATO, bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia tổ chức phải nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ các thành viên. Tuy nhiên, mọi nỗ lực gia nhập NATO của Macedonia đã bị chặn đứng suốt 10 năm qua vì mâu thuẫn tên gọi với một thành viên NATO là Hy Lạp.

Tranh cãi giữa Hy Lạp và Macedonia bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập Liên hợp quốc với tên gọi là Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia - FYROM.

Tuy nhiên, Hy Lạp phản đối tên gọi này vì trùng với một tỉnh miền Bắc Hy Lạp. Athens lo ngại sự trùng hợp này có thể dẫn đến tranh chấp về lãnh thổ với quốc gia láng giềng, cho rằng việc sử dụng tên gọi của quốc gia láng giềng là Macedonia đồng nghĩa với việc Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cùng tên gọi nằm ở phía Bắc Hy Lạp, nơi mà Athens coi là di sản văn hóa tôn nghiêm.

Hồi tháng trước, hai nước đã đạt một thỏa thuận nhằm đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Thỏa thuận này cần được quốc hội hai bên thông qua và phải nhận được sự đồng thuận trong cuộc trưng cầu ý dân tại Macedonia dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục