Theo hãng Sputniknews, các nhà phân tích cho rằng Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore có thể chứng minh được sự thất bại hoặc thành công trong việc thay đổi những cân bằng cơ bản trong quan hệ của Bình Nhưỡng với Washington và thế giới rộng lớn hơn.
Phản ứng trước việc ông chủ Nhà Trắng cam kết bảo đảm an ninh cho quốc gia từng bị thế giới cô lập này và dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, nhiều nghị sỹ ở Mỹ đã lên tiếng chỉ trích và cho rằng Washington sẽ chẳng nhận lại được gì.
[Tổng thống Mỹ: Hội nghị Mỹ-Triều giúp tránh thảm họa hạt nhân]
Nhà ngoại giao kỳ cựu Anh Jonathan Clarkecho rằng ông Trump đã đưa một động lực mới vào mối quan hệ Mỹ-Triều, chấm dứt thế bế tắc 65 năm kể từ khi hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên được ký kết vào năm 1953.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dường như lo lắng về những điều dễ thay đổi mà Mỹ sẽ áp đặt vào chính sách an ninh đối với khu vực Đông Bắc Á sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh, cũng còn quá sớm để nhận biết những kết quả và những phản tác dụng do hội nghị Singapore sẽ mang lại là gì, "thời gian chứng minh những gì sẽ thực sự xảy ra."
Phó Chủ tịch Trung tâm Á-Âu Ralph Winnie đã nhất trí rằng, hội nghị thượng đỉnh hôm 12/6 là một sự kiện lịch sự nhưng ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thận trọng và cảnh giác trong việc giám sát kỹ lưỡng những kết quả của hội nghị. Quan chức này nêu rõ: "Tôi nghĩ chúng ta phải quan sát Triều Tiên sẽ làm cái gì, giám sát tình hình và phía Mỹ cần phải vô cùng cảnh giác."
Tuy nhiên, ông Winnie cũng bày tỏ sự lạc quan rằng ông Trump đã không loại bỏ các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mà không nhận lại được những sự nhượng bộ đáng kể từ phía ông Kim Jong-un.
Ông Winnie cũng đánh giá hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều nên được xem như sự khởi đầu cho một quá trình thương thuyết lâu dài, phức tạp và với sự tham gia của cả hai bên./.