Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Cơ hội khẳng định vị thế Việt Nam

Theo chuyên gia của Viện Stimson, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai là cơ hội để Việt Nam thể hiện tiềm năng phát triển kinh tế cũng như sự cởi mở với thế giới.
Cờ Mỹ, cờ Triều Tiền và cờ Việt Nam được trang trí tại đường phố ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Cờ Mỹ, cờ Triều Tiền và cờ Việt Nam được trang trí tại đường phố ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Sau khi thủ đô Hà Nội của Việt Nam được chọn là địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, giới truyền thông cũng như nhiều chuyên gia quốc tế nhận định đây là một cơ hội lớn để Việt Nam nâng cao vị thế, tầm vóc và ảnh hưởng trong khu vực.

Ông Hunter Marston, nguyên trợ lý nghiên cứu cấp cao của viện Brookings, cho biết việc Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra sự kiện quan trọng này cho thấy vị thế ngoại giao ngày càng tăng của Việt Nam.

Việt Nam là một thành viên quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong ASEAN và cũng là một đối tác ngoại giao quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới.

Việt Nam cũng là đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á, có quan hệ tốt với các cường quốc khác trong khu vực, từ Australia đến Ấn Độ và Nhật Bản.

Ông Marston nhận định đây không chỉ là cơ hội tốt để Việt Nam nâng cao hơn nữa vị thế của mình và cho thấy khả năng tổ chức thành công các sự kiện lớn như hội nghị của ASEAN và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 ở Đà Nẵng, mà còn là thời điểm quan trọng để Việt Nam phát huy vai trò của mình, góp phần vào hòa bình của khu vực và thế giới.

Cùng nhận định trên, bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Viện CSIS, cho rằng trong những năm gần đây, Việt Nam đã cho thấy khả năng tổ chức thành công nhiều hội nghị thượng đỉnh cũng như các sự kiện lớn.

Cũng giống như Singapore, Việt Nam có an ninh rất tốt và là quốc gia có nền kinh tế năng động trong khu vực, có tiềm năng lớn với lực lượng lao động hiệu quả, có dòng vốn đầu tư lớn vì lực lượng nhân công có trình độ chuyên môn cao.

Việt Nam có những chính sách kinh tế tốt khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) nên Việt Nam là một mô hình kinh tế cho những nước trong khu vực.

[Infographics] Hà Nội đã sẵn sàng cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2

Theo bà, thành công to lớn của Việt Nam ngày càng được công nhận trên trường quốc tế.

Theo ông Richard Cronin, Cố vấn phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Viện Stimson, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai là cơ hội để Việt Nam thể hiện tiềm năng phát triển kinh tế cũng như sự cởi mở với thế giới.

Đây không chỉ là dịp để Việt Nam quảng bá hình ảnh của đất nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng, mà còn làm nổi bật tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như tầm ảnh hưởng đối với khu vực. Việt Nam sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020, và đang nỗ lực trở thành nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tất cả những yếu tố này sẽ nâng cao tầm vóc và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình dương tại Tập đoàn tư vấn Albright Stonebridge của Mỹ, khẳng định mặc dù không đóng vai trò cụ thể trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai, nhưng sự kiện này cho thấy vị thế quốc tế đang lên của Việt Nam, cũng như vai trò của Việt Nam là một nước có quan hệ tích cực với nhiều cường quốc.

Theo ông, Triều Tiên đặc biệt muốn ASEAN tham gia tại cuộc gặp này giống như Singapore trong cuộc gặp đầu tiên. Triều Tiên duy trì quan hệ tốt với ASEAN trong khi ASEAN tìm cách tăng cường vai trò của mình trong khu vực và Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất của ASEAN.

Cuộc gặp cũng là sự ghi nhận của Mỹ đối với Việt Nam như một đối tác trong các vấn đề an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục