Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU nâng tầm hợp tác song phương

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU được đánh giá là bước khởi đầu để chính quyền Tổng thống Joe Biden tái thiết mối quan hệ song phương giữa hai bên vốn bị rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái), Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (phải) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ ngày 15/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngày 15/6 đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong 7 năm, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức để cải thiện các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Trong hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Tổng thống Biden đã gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác trong thương mại, đầu tư và chuẩn bị cho những thách thức y tế toàn cầu trong tương lai.

EU và Mỹ đã đồng ý “đình chiến” trong cuộc xung đột kéo dài về vấn đề trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Tranh chấp này đã dẫn đến các vụ kiện đồng thời được hai bên đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kể từ năm 2004.

Trước đó vào tháng 3/2021, cả Mỹ và EU đã đồng ý đình chỉ thuế quan trong bốn tháng đối với 11,5 tỷ USD hàng hóa song phương đã bị áp đặt trong giai đoạn tranh chấp.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, cả hai bên đã đồng ý xóa bỏ thuế quan trong 5 năm cho đến khi tiếp tục thảo luận về một thỏa thuận tổng thể cho vấn đề trợ cấp.

[Mỹ-EU ra tuyên bố khẳng định phối hợp chấm dứt đại dịch COVID-19]

Cũng trong ngày 15/6, Mỹ và EU đã chính thức thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ (TTC) nhằm điều phối các vấn đề công nghệ quan trọng như phát triển chất bán dẫn, nghiên cứu các lĩnh vực mới nổi và đảm bảo chuỗi cung ứng.

Các bên đã cam kết trong tuyên bố chính thức của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU về việc thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số để tăng cường thương mại và đầu tư, củng cố vai trò lãnh đạo công nghệ và công nghiệp, đẩy mạnh đổi mới, bảo vệ các công nghệ, cơ sở hạ tầng quan trọng và mới nổi.

Mỹ và EU lưu ý rằng TTC có nhiệm vụ “khởi động” chương trình nghị sự về các vấn đề thương mại và công nghệ, với các mục tiêu của nhóm bao gồm tăng cường hợp tác quốc tế về chuỗi cung ứng công nghệ, tăng cường quan hệ đối tác nghiên cứu và phối hợp xây dựng tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, TTC sẽ giải quyết sự thiếu hụt chất bán dẫn vốn đã có tác động tiêu cực lớn đến các ngành công nghiệp bao gồm cả lĩnh vực ôtô.

TTC cũng sẽ giải quyết các vấn đề như thiết lập tiêu chuẩn cho Trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ kết nối Internet, thúc đẩy công nghệ xanh, bảo mật các hệ thống viễn thông quan trọng và về điều mà Mỹ và EU cho là “lạm dụng công nghệ đe dọa an ninh và nhân quyền.”

Trong tuyên bố chung kết thúc hội nghị, hai bên nhất trí về các biện pháp đối phó với đại dịch COVID-19.

Lãnh đạo EU và Mỹ khẳng định cam kết đưa ra vào cuối tuần qua tại Hội nghị G7 diễn ra ở London, Anh là cung cấp một tỷ liều vaccine cho các quốc gia nghèo nhất với mục tiêu là tiêm chủng cho 2/3 dân số thế giới vào cuối năm 2022.

Hai bên cũng sẽ nối lại hoạt động du lịch bằng việc công nhận chứng nhận tiêm chủng của nhau.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU được đánh giá là bước khởi đầu để chính quyền Tổng thống Joe Biden tái thiết mối quan hệ song phương giữa hai bên vốn bị rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau hội nghị, bà Von der Leyen cho hay quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai bên là "không thể phủ nhận."

Bà viện dẫn số liệu kim ngạch thương mại giữa Mỹ và châu Âu vẫn đạt giá trị gần 1.000 tỷ euro (khoảng 1.212 tỷ USD) vào năm 2020, bất chấp sự bùng phát của đại dịch COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục