Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu khai mạc tại Brussels

Trong hai ngày làm việc 22-23/6, chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ đặt trọng tâm vào một liên minh kiên định trong việc bảo vệ quyền của các công dân của mình.
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu khai mạc tại Brussels ảnh 1Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, chiều 22/6, Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ trong nỗ lực củng cố lại niềm tin của các nước thành viên trong bối cảnh kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp đã khẳng định được xu hướng thắng thế của phe thân châu Âu và tiến trình đàm phán với nước Anh về Brexit được bắt đầu theo đúng kế hoạch do EU vạch ra.

Phát biểu trước thềm Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đánh giá dù vẫn cần rất thận trọng để có thể nói về sự lạc quan, nhưng EU có nhiều lý do để kỳ vọng vào tinh thần này.

Ông đưa ra các lý do như tình hình tăng trưởng kinh tế khả quan tại tất cả các nước thành viên, tỷ lệ thất nghiệp giảm, việc đạt thỏa thuận về vấn đề nợ của Hy Lạp và sự thất bại của chủ nghĩa dân túy trong các cuộc bầu cử tại một số quốc gia thành viên chủ chốt của EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh tất cả những thông tin trên giúp tạo nên những yếu tố ban đầu để người châu Âu có thể tạm hài lòng. Ông Tusk cũng bày tỏ hy vọng nước Anh thay đổi quyết định và vẫn ở lại Liên minh châu Âu.

Liên minh châu Âu cách đây một năm đã bị chấn động khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi khối. Tuy nhiên, đến nay các nước còn lại trong EU đã thành công bước đầu khi thể hiện được sự đoàn kết thống nhất.

[Tổng thống Pháp tin tưởng Paris có thể giúp EU "thay đổi thế giới"]

Việc nước Anh và EU đã chính thức khởi động đàm phán về việc nước này rời khỏi EU hay còn gọi là Brexit đúng theo lịch trình ngày 19/6 là minh chứng cho thấy EU có thể giành sự chủ động trong quá trình đàm phán với Anh.​

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, Thủ tướng Anh Thereresa May sẽ trình bài những nguyên tắc chỉ đạo của người Anh trong đàm phán về quyền của các công dân liên quan sau Brexit. Tiếp theo đó, một tài liệu chi tiết về vấn đề này sẽ được công bố vào ngày 26/6.

Thủ tướng Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ trình bày cách chúng tôi đảm bảo rằng các công dân EU đang sống ở Anh có quyền được bảo vệ tại đất nước này."

Trong hai ngày làm việc 22-23/6, chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ đặt trọng tâm vào một liên minh kiên định trong việc bảo vệ quyền của các công dân của mình.

Ông Tusk nhấn mạnh EU cần chứng minh cho mọi người thấy rằng Liên minh hoàn toàn có khả năng kiểm soát những sự kiện có thể tạo ra sự hoang mang. ​

Trong bối cảnh các cuộc tấn công khủng bố do các phần tử cực đoan thánh liên tiếp diễn ra trong những tháng gần đây gây ra nhiều tổn thất về sinh mạng tại một số nước thành viên, cuộc chiến chống khủng bố và chống cực đoan hóa sẽ là những chủ đề được ưu tiên thảo luận của các nguyên thủ các quốc gia châu Âu tại hội nghị lần này. 

Nhiều vấn đề liên quan đến các chính sách kinh tế xã hội, như việc làm thế nào để kiểm soát và hạn chế các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, cuộc chiến chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc bán phá giá cũng được đưa vào chương trình làm việc của lãnh đạo các nước EU.

Cùng với đó, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng sẽ được lãnh đạo 28 nước đề cập sau khi Chính phủ Mỹ mới đây đã chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong lần đầu tiên xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh EU, sẽ cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo về tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk về khôi phục hòa bình ở miền Đông Ukraine, vốn được đánh giá là vẫn chưa thành công.

Một số nguồn tin ngoại giao cho biết Pháp-Đức sẽ đề xuất gia hạn trừng phạt kinh tế chống lại Nga thêm 6 tháng do tình hình "vẫn chưa có tiến tiến triển"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục