Hội nghị thượng đỉnh LHQ về khí hậu cam kết "tẩy chay" dầu cọ

Cùng với Tuyên bố cam kết bảo vệ rừng của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, nhiều công ty chế biến thực phẩm trên thế giới đã cam kết ngừng sử dụng dầu cọ.
Thu hoạch quả cọ tại một khu vườn ở Medan, Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngành công nghiệp trồng trọt, sản xuất và kinh doanh dầu cọ trong những năm gần đây được coi là một trong những yếu tố khiến rừng bị tàn phá nghiêm trọng.

Cùng với Tuyên bố cam kết bảo vệ rừng của Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ngày 23/9, nhiều công ty chế biến thực phẩm trên thế giới đã cam kết ngừng sử dụng dầu cọ.

Tại hội nghị, ba công ty sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới là Wilmar, Golden Agri-Resources và Cargill cam kết hợp tác nhằm ngăn chặn nạn chặt, phá rừng, đồng thời hối thúc Tổng thống Indonesia Joko Widodo thực thi các chính sách bảo vệ rừng.

Indonesia hiện là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới với sản lượng trên 26 triệu tấn trong năm 2012.

Giám đốc điều hành Cargill, ông Dave MacLennan, cũng cam kết nói "Không" với chặt phá rừng để trồng tất cả các loại cây phục vụ mục đích thương mại khác, không chỉ riêng dầu cọ.

Nạn chặt phá rừng bừa bãi là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, vì rừng được coi là "lá phổi xanh" giúp hạn chế những tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày một gia tăng.

Nhiều năm qua, các nhà hoạt động môi trường đã phát động nhiều chiến dịch nhằm kêu gọi thế giới "tẩy chay" dầu cọ, đồng thời lên án việc đốn hủy các cánh rừng nhiệt đới để trồng các loại cây lấy dầu phục vụ ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, sản lượng dầu từ những cây cọ được trồng trên những mảnh rừng được phát quang hợp pháp hiện chiếm tới 60% tổng sản lượng toàn cầu.

Cây cọ dầu được trồng phổ biến ở các nước nhiệt đới, chiếm khoảng 45% sản lượng dầu ăn trên thế giới. Việc đốn gỗ để lấy dầu cọ cũng là nguyên nhân khiến loài đười ươi ở Indonesia mất môi trường sống.

Trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về khí hậu, hơn 30 quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký tuyên bố cam kết đến năm 2020 sẽ giảm 50% diện tích rừng bị mất trắng, và đến năm 2030 chặn đứng hoàn toàn tình trạng sử dụng rừng vào các mục đích khác.

Na Uy cam kết viện trợ 350 triệu USD cho Peru và 100 triệu USD cho Liberia trong nỗ lực bảo vệ rừng. Tuyên bố còn có chữ ký của hàng chục công ty, tổ chức môi trường và tổ chức xã hội địa phương.

Tuy nhiên, trái với tinh thần chung của hội nghị, Brazil đã từ chối ký kết tuyên bố này. Bộ trưởng Môi trường Brazil Izabella Teixeira giải thích chính sách về rừng của nước này cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 giảm tốc độ phá rừng xuống còn 3.900 km2 rừng/năm, từ mức 5.800km2 giai đoạn từ tháng 8/2012 đến tháng 7/2013.

Theo thống kê của Chính phủ Brazil, diện tích rừng nước này bị phá đã giảm 79% kể từ năm 2004. Tuy nhiên, trong năm vừa qua, diện tích rừng Amazone bị tàn phá đã tăng 28% sau bốn năm giảm liên tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục