Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Moldova

Sự kiện quy tụ gần 50 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, được coi là nền tảng cho sự phối hợp chính trị giữa các nước trên khắp lục địa châu Âu.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Moldova ảnh 1Các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ dự hội nghị thượng đỉnh EPC lần thứ 2 tại Moldova. (Nguồn: (EC)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung và Đông Âu, ngày 1/6, Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) đã tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 tại Moldova.

Sự kiện quy tụ gần 50 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, được coi là nền tảng cho sự phối hợp chính trị giữa các nước trên khắp lục địa châu Âu.

Nước chủ nhà Moldova nhấn mạnh EPC hướng tới thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị để giải quyết các vấn đề cùng quan tâm và tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng của lục địa châu Âu.

[Azerbaijan-Armenia có thể ký thỏa thuận hòa bình bên lề hội nghị EPC]

Hội nghị thượng đỉnh EPC lần lần này tập trung vào 3 chủ đề chính: nỗ lực chung vì hòa bình và an ninh; khả năng phục hồi năng lượng và hành động khí hậu; các kết nối ở châu Âu vì một lục địa được liên kết tốt hơn và ổn định hơn.

Tham dự hội nghị ở lâu đài Mimi, nằm cách thủ đô Chisinau của Moldova hơn 30 km về phía Đông, có 47 lãnh đạo các nước châu Âu, bao gồm 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Moldova Maia Sandu tuyên bố hội nghị được tổ chức ở địa điểm cách biên giới Ukraine chỉ 20km thể hiện quyết tâm mạnh mẽ nhằm lập lại hoà bình ở châu Âu, đồng thời thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết trong bối cảnh sự ổn định của Lục địa Già đang bị đe dọa.

Trước khi diễn ra hội nghị, Tổng thống Sandu cũng đã nhấn mạnh EPC “là một nền tảng đặc biệt trao cho cho các quốc gia lớn và nhỏ, cả trong và ngoài EU, tiếng nói bình đẳng trong các cuộc thảo luận.”

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại EU, ông Joseph Borrell tuyên bố sự hiện diện của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Chisinau thể hiện một thông điệp đoàn kết trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine tiếp diễn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng có mặt tại Chisinau tham dự hội nghị. Ông bày tỏ cảm ơn các quốc gia châu Âu đã hỗ trợ Kiev và tuyên bố về một Ukraine có “tương lai trong EU.”

EPC là sáng kiến được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức đề xuất vào cuối tháng 6/2022 trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Pháp.

Theo đề xuất của ông Macron, mục tiêu của dự án này là xây dựng một nền tảng phối hợp chính sách cho các nước châu Âu trên toàn châu lục, thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị nhằm giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng của lục địa châu Âu.

Hội nghị thượng đỉnh EPC được tổ chức luân phiên tại các quốc gia thành viên EU và các quốc gia ngoài khối. Đây là hội nghị thượng đỉnh EPC đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia ngoài EU.

Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của EPC diễn ra ngày 6/10 tại thủ đô Praha (Cộng hòa Séc), quy tụ 43 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ các nước châu Âu.

Tháng 3/2022, Moldova chính thức nộp đơn xin gia nhập EU và mong muốn tiến trình này được đẩy nhanh.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels ngày 23/6/2022, EU đã phê chuẩn trao cho Moldova và Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập.

Sau đó, Ủy ban châu Âu nêu 9 điều kiện mà Moldova cần thực hiện để được kết nạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục