Hội nghị thượng đỉnh G7 thảo luận nhiều vấn đề nóng trên toàn cầu

Nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID-19 và sự hồi phục kinh tế lấy môi trường làm trọng tâm là những nội dung cốt lõi trong chương trình nghị sự của hội nghị G7 lần này.
Hội nghị thượng đỉnh G7 thảo luận nhiều vấn đề nóng trên toàn cầu ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp song phương tại Vịnh Carbis, Cornwall (Anh) ngày 10/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tham dự cuộc hội nghị thượng định kéo dài ba ngày, từ ngày 11/6, tại vịnh Carbis ở Cornwall, phía Tây Nam, vùng England của nước Anh.

Đây là hội nghị thượng đỉnh diễn ra trực tiếp đầu tiên trong gần hai năm của nhóm này kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Dự kiến, nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID-19 và sự hồi phục kinh tế lấy môi trường làm trọng tâm là những nội dung cốt lõi trong chương trình nghị sự của hội nghị G7 lần này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong gần hai năm qua.

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới với sự lây lan của nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng lây nhiễm cao hơn trong khi tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới lại không đồng đều.

Giám đốc khu vực của WHO tại châu Phi, bà Matshidiso Moeti, cho hay việc chia sẻ vaccine là vấn đề sống còn trong bối cảnh nhiều nước thiếu hụt vaccine và số ca mắc mới không ngừng gia tăng tại châu lục này.

Các nhà tham gia chiến dịch mô tả sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine như "nạn phân biệt chủng tộc vaccine" và cho rằng các nước giàu cần đóng góp nhiều hơn cho các nước kém phát triển hơn, trong đó có việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và thuốc điều trị COVID-19.

Theo tổ chức từ thiện Oxfam, với tỷ lệ tiêm chủng hiện nay, các nước thu nhập thấp phải mất 57 năm mới có thể đạt được mức tiêm chủng tương tự như các nước G7.

[Dịch COVID-19: G7 sẽ tăng 1 tỷ liều vaccine cung cấp cho thế giới]

Trước khi sự kiện này diễn ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết các nhà lãnh đạo G7 sẽ nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.

Ngoài ra, Anh, nước đăng cai hội nghị này, tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong vòng năm tới, ưu tiên những nước nghèo nhất, trong đó 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay.

Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, khoảng 80% trong số vaccine trên sẽ chuyển đến chương trình COVAX - cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước nghèo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.

Mỹ cũng đã thông báo tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.

Ngoài vấn đề vaccine, biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu sạch cũng là nội dung chính tại sự kiện này. Lãnh đạo các nước G7 đang cân nhắc các kế hoạch hỗ trợ các nước đang phát triển cắt giảm dần nhiên liệu hóa thạch trước thềm Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-26), dự kiến vào tháng 11 tới tại Glasgow, Anh. Đây cũng là một phần trong cam kết của các nước phát triển hướng tới mục tiêu trung hòa khí carbon đến năm 2050.

Theo kế hoạch, sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc, hầu hết lãnh đạo các nước G7 sẽ tới Brussels để tham gia cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra vào ngày 14/6.

Đáng chú ý, sau cuộc họp của NATO, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm tìm cách tháo gỡ những bất đồng song phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục