Tối 21/11 (giờ Việt Nam), hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến do dịch bệnh COVID-19 vẫn đang "tàn phá" khắp thế giới. Theo tuyên bố trên trang web của G20, những tác động do COVID-19 gây ra đối với nền kinh tế thế giới sẽ là nội dung bao trùm hội nghị năm nay.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia Salman cho rằng các nền kinh tế phải nỗ lực hướng tới tiếp cận hợp lý và công bằng đối với các loại vắcxin và phương tiện phòng chống dịch COVID-19.
Quốc vương Salman nhấn mạnh: "Mặc dù chúng ta lạc quan về những tiến triển đạt được trong nghiên cứu vắcxin phòng ngừa COVID-19, các liệu pháp chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp này, nhưng chúng ta phải tạo điều kiện cho việc tiếp cận hợp lý và công bằng cho tất cả mọi người."
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều sự bất ổn, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp. Mỹ cùng với nhiều quốc gia châu Âu hiện đang phải "gồng mình" chống chọi với làn sóng lây nhiễm mới của dịch bệnh COVID-19, với mức độ lây lan còn nghiêm trọng hơn vài tháng trước đây.
[Nội dung thảo luận chính tại Hội nghị thượng đỉnh G20]
Đây cũng là lần đầu tiên một quốc gia Arab đăng cai hội nghị thượng đỉnh G20, với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình....
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận về chủ đề vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng kinh tế và việc làm; xây dựng tương lai bền vững, phát triển bao trùm và có khả năng chống chịu.
Trong hai ngày họp, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung thảo luận việc sử dụng mọi nguồn lực, sự hợp tác để có thể ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngoài ra, lãnh đạo các nước cũng sẽ thảo luận về việc hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững. Chống biến đổi khí hậu cũng là một trong những vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của cuộc họp này./.