Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, vấn đề nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), gọi là Brexit, chiếm thời lượng quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU, diễn ra trong hai ngày 21-22/3.
Bên cạnh đó, các vấn đề chiến lược như củng cố nền tảng kinh tế của liên minh, chống biến đổi khí hậu, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc và cuộc chiến chống tin tức giả trước thềm bầu cử nghị viện châu Âu cũng là những chủ đề chính.
Nội dung ngày họp đầu tiên là những tiến triển mới nhất liên quan đến thực thi điều 50 Hiệp ước Lisbon về việc Anh rời khỏi EU trong bối cảnh nước này sẽ chính thức "chia tay" khối vào ngày 29/3, nhưng London muốn có thêm thời gian để thông qua thỏa thuận cho phép "cuộc ly hôn" diễn ra có trật tự.
Trong thư mời các lãnh đạo đến dự họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết ông đã nhận được thư của Thủ tướng Anh Theresa May nêu rõ hai yêu cầu, gồm EU thông qua tài liệu bổ sung giữa Anh và Ủy ban châu Âu (EC) theo thỏa thuận tại Strasbourg và gia hạn Điều 50 Hiệp ước Lisbon đến ngày 30/6.
Dựa trên các cuộc tham vấn đã tiến hành trong những ngày qua, EU tin rằng một sự gia hạn ngắn có thể là khả thi, song điều này còn phụ thuộc vào kết quả bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận rút khỏi EU tại Hạ viện Anh.
Hiện vấn đề thời hạn kéo dài vẫn còn để ngỏ.
[EU tuyên bố có thể trì hoãn Brexit trong khoảng thời gian ngắn]
Đề xuất của Thủ tướng Anh gia hạn Brexit đến 30/6 đặt ra một loạt vấn đề mang tính pháp lý và chính trị.
Các lãnh đạo sẽ có cuộc thảo luận chi tiết về nội dung này vào ngày 21/3. Liên quan tới việc thông qua các tài liệu bổ sung Strabourg, ông Tusk tin rằng điều này là khả thi và không bao hàm sự rủi ro nào, nhất là các tài liệu trên nhằm tạo thuận lợi cho việc phê chuẩn thỏa thuận tại Quốc hội Anh.
Chủ tịch Donald Tusk cho biết hiện chưa có dự kiến về hội nghị thượng đỉnh bất thường cho vấn đề Brexit, nhưng ông cũng không loại trừ khả năng này.
Nếu các nhà lãnh đạo chấp thuận những đề xuất của ông cùng khả năng diễn ra một cuộc bỏ phiếu tích cực tại Hạ viện Anh vào tuần tới, các nhà lãnh đạo 27 nước EU có thể hoàn thiện và chính thức hóa quyết định về việc gia hạn Brexit thông qua một thủ tục bằng văn bản.
Chủ tịch Donald Tusk nhấn mạnh EU đã phản ứng với một sự kiên nhẫn và lòng thiện chí trước nhiều sự kiện và sẵn sàng làm điều đó tại thời điểm quan trọng bậc nhất này của tiến trình Brexit.
Hội nghị thượng đỉnh EU cũng sẽ đề cập đến những vấn đề dài hạn mà liên minh đang phải đối mặt.
Trong một thế giới ngày càng bất ổn, bị động trước thực tiễn công nghệ và môi trường mới, ông Tusk kêu gọi các nước EU cùng nhau xác lập con đường riêng song song với bảo vệ các lợi ích chiến lược của liên minh, đặc biệt trong việc thực hiện các mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế, chống lại các hành vi không công bằng hay giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo sẽ dành thời gian thảo luận về phương thức sử dụng mọi đòn bẩy có thể để bảo vệ lợi ích của công dân và doanh nghiệp của EU.
Với quan điểm Trung Quốc là một chủ thể toàn cầu quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trên, hội nghị dự kiến tiến hành thảo luận sâu về quan điểm định hướng mối quan hệ giữa Brussels với Bắc Kinh, trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc sắp tới.
Ngoài ra, các vấn đề nóng như tình hình Ukraine hay nỗ lực ngăn chặn thông tin sai lệch nhằm bảo vệ các cuộc bầu cử sắp tới trên toàn EU sẽ được các nhà lãnh đạo đưa ra xem xét tại hội nghị.
Nhân dịp này, các lãnh đạo EU cũng kỷ niệm 25 năm hợp tác với các đối tác của Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) với 3 vị khách mời là thủ tướng của các quốc gia Iceland, Liechtenstein và Na Uy.
Thỏa thuận EEA được ký năm 1992 tại Porto, Bồ Đào Nha và có hiệu lực vào năm 1994.
Văn bản trên là cơ sở để EU luật hóa 4 quyền tự do lưu thông: hàng hóa, dịch vụ, con người và vốn trong toàn bộ 31 nước thành viên EEA./.