Hội nghị thượng đỉnh EU-AU: "Nóng" vấn đề buôn bán nô lệ nhập cư

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Alassane Ouattara đã kêu gọi thực hiện mọi biện pháp khẩn cấp để chấm dứt tình trạng buôn bán nô lệ nhập cư tại Libya.
Trưởng đoàn các nước dự hội nghị chụp ảnh chung. (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 29/11, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) đã khai mạc tại thủ đô Abidjan của Côte d’Ivoire với chủ đề tập trung vào tăng trưởng và ổn định kinh tế trong dài hạn.

Trong diễn văn khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Alassane Ouattara đã kêu gọi thực hiện mọi biện pháp khẩn cấp để chấm dứt tình trạng buôn bán nô lệ nhập cư tại Libya.

Những phát hiện về nạn buôn bán nô lệ thời gian gần đây đang phủ bóng đen lên Hội nghị thượng đỉnh Abidajan, nơi mà cả EU và châu Phi hy vọng sẽ khởi động mối quan hệ hợp tác sâu sắc hơn, nhằm tạo thêm nhiều việc làm trong bối cảnh lão hóa dân số và gia tăng nạn di dân cũng như chủ nghĩa khủng bố tại "Lục địa Đen."


[Pháp đề nghị Hội đồng Bảo An họp khẩn về tình hình Libya]

Tổng thống Ouattara cho biết tình trạng buôn bán nô lệ nhập cư đang gợi lại những thời điểm tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, đòi hỏi các nước thành viên EU và AU phải có những biện pháp cấp bách và kịp thời nhằm nhanh chóng chấm dứt thực trạng này.

Hội nghị thượng đỉnh EU-AU diễn ra chỉ hai tuần sau khi kênh truyền thông CNN đăng tải đoạn ghi hình những người châu Phi da đen bị buôn bán như nô lệ tại Libya, làm dấy lên sự phẫn nộ từ các nhà lãnh đạo, cũng như kích động nhiều cuộc biểu tình trên đường phố tại thủ đô các nước châu Phi và châu Âu.

Các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm giải quyết các báo cáo gần đây về tình trạng nô lệ tại Libya và cách thức để hợp tác với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và các bên khác để xử lý vấn đề này một cách cấp bách và ưu tiên. AU đang cáo buộc EU tạo điều kiện cho nạn buôn bán nô lệ cũng như ngược đãi người di cư thông qua việc khuyến khích GNA - chính phủ được Liên hợp quốc hậu thuẫn - bắt và ngăn cản người di cư trốn sang châu Âu.

EU đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cách khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với hơn 1,5 triệu người nhập cư vào khối kể từ năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục