Theo AFP/Trang mạng thehill.com, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo Canada và Mexico đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ giữa ba nước tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của khu vực Bắc Mỹ kể từ năm 2016.
Tuy nhiên, phía sau hậu trường, những căng thẳng về thương mại và vấn đề nhập cư vẫn còn dai dẳng.
Sau các đồng minh châu Âu và châu Á, Tổng thống Biden hiện đang muốn khôi phục quan hệ đối tác ba bên giữa các quốc gia tạo nên khu vực thương mại tự do trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Nhà lãnh đạo Mỹ phát biểu: "Chúng ta có thể đương đầu với mọi thách thức nếu dành thời gian để nói chuyện với nhau và cùng nhau phối hợp."
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh tới "mối quan hệ cực kỳ bền chặt" của ba nước. Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào năm tới tại Mexico.
Tầm quan trọng của mối quan hệ ba bên
Trong bài viết mới đây đăng trên trang mạng The Hill, cựu Đại sứ Mỹ Earl Anthony Wayne - hiện làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Mỹ và là thành viên ban cố vấn Viện Mexico của Trung tâm Wilson - cho rằng việc phát triển đúng đắn quan hệ hợp tác Mỹ-Canada-Mexico sẽ tạo ra một động lực lớn cho cả ba quốc gia.
Từ góc độ kinh tế, Canada, Mexico và Mỹ tạo thành một mạng lưới thương mại và hợp tác sản xuất mạnh nhất thế giới, với trao đổi thương mại qua biên giới giữ ba nước này lên tới khoảng 2 triệu USD mỗi phút.
Hoạt động thương mại đó giúp hỗ trợ hơn 12 triệu việc làm cho công nhân và nông dân Mỹ, cùng hàng triệu việc làm khác ở Canada và Mexico. Hai nước láng giềng này là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và là hai quốc gia mà Mỹ hợp tác sản xuất nhiều sản phẩm hoàn chỉnh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
[Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Mexico-Canada: Chuyển động đúng hướng ở Bắc Mỹ]
Cả ba nước phải nỗ lực để triển khai USMCA và thực hiện các bước bổ sung để thúc đẩy tiềm năng kinh tế của lục địa, trong bối cảnh công nghệ và các ngành công nghiệp đang ngày càng phát triển.
Mối quan hệ giữa ba quốc gia Bắc Mỹ này liên quan đến cuộc sống hàng ngày của hàng triệu công dân của cả ba nước. Những mối liên hệ sâu sắc đó mang lại lợi ích nhưng cũng thường gây ra những lo ngại chính trị nghiêm trọng ở mỗi nước.
Tuy nhiên, nếu các chính phủ có thể quản lý tốt các mối quan hệ cũng như các thách thức, sự hợp tác giữa ba nước có khả năng sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc chống tội phạm ma túy xuyên biên giới, xử lý tốt hơn các đại dịch trong tương lai, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và đáng tin cậy hơn cho các ngành công nghiệp và cho nông dân, đối phó với biến đổi khí hậu và cải thiện các ngành công nghiệp theo hướng hiệu quả hơn và "xanh" hơn.
Trên bình diện quốc tế, một khu vực Bắc Mỹ liên kết chặt chẽ hơn sẽ có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu. Công dân của cả ba nước sẽ được hưởng lợi.
Những bất đồng cần giải quyết
Mặc dù có nhiều điểm chung, song giữa ba quốc gia Bắc Mỹ nói trên vẫn còn nhiều khác biệt cần phải giải quyết. Chẳng hạn, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador ủng hộ vai trò mạnh mẽ của nhà nước trong lĩnh vực năng lượng và dường như không quan tâm tới các hành động vì khí hậu như Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Biden.
Mỹ và Canada lo ngại các cải cách được đề xuất trong lĩnh vực năng lượng của ông Lopez Obrador sẽ vi phạm các cam kết của USMCA và gây tổn hại tới các công ty của hai nước này.
Trong khi đó, Canada và Mexico quan ngại rằng một số đề xuất của Mỹ về việc "Mua hàng Mỹ" và thực hiện các quy định của USMCA có thể sẽ vi phạm các cam kết của USMCA. Các nhà lãnh đạo sẽ cần phải giải quyết những khác biệt này trong khi cùng thúc đẩy một chương trình nghị sự chung.
Dưới thời chính quyền Trump, Washington đã đe dọa từ bỏ thỏa thuận thương mại tự do của khu vực và áp đặt thuế quan lên nhôm và thép của Canada. Ông cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở khu vực biên giới với Mexico và sử dụng những lời lẽ gây kích động để nói về những người nhập cư bất hợp pháp, tuy nhiên cuối cùng ông cũng xây dựng một mối quan hệ đối tác với Lopez Obrador. Tuy nhiên, dù nhiệm kỳ "đầy giông bão" của Trump đã qua, song những vấn đề mà ông khuấy động vẫn còn đó.
Tiếp nối tư tưởng "Nước Mỹ trước tiên" của Trump, Biden hiện đang nỗ lực khôi phục nền công nghiệp đang gặp khó khăn của Mỹ, đặc biệt là trong thị trường năng lượng sạch và xe điện đang phát triển nhanh chóng, vốn đang gây xích mích với các nước láng giềng.
Mexico và Canada đang lo lắng trước đề xuất của Biden về việc miễn giảm thuế để khuyến khích ngành sản xuất xe điện của Mỹ, như chiếc Hummer chạy hoàn toàn bằng điện mà ông đã lái thử trong chuyến thăm nhà máy General Motors ở Detroit hôm 17/11. Thủ tướng Trudeau nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Biden: “Chúng tôi đã nêu rõ mối quan tâm của chúng tôi xung quanh đề xuất miễn thuế cho các phương tiện chạy bằng điện được sản xuất tại riêng Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm những công việc cần thiết để không chỉ làm rõ lập trường của mình mà còn để tìm ra giải pháp."
Một điểm mấu chốt khác là chính sách "Mua hàng Mỹ" của Biden đối với chính phủ liên bang khi họ mua sắm đội xe ô tô khổng lồ cho chính phủ - điều mà Canada nói là chủ nghĩa bảo hộ không che giấu.
Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Chris Meagher đã lên tiếng bảo vệ Tổng thống Biden, nói rằng Tổng thống luôn vận động để thúc đẩy việc làm cho khu vực Bắc Mỹ, và hơn thế, "sẽ có nhiều cơ hội" để làm việc với Canada và Mexico để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.
Mexico vẫn đang chịu sức ép nhằm buộc phải giúp đỡ giải quyết vấn đề nhập cư đang bùng nổ ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico. Mặc dù Trump biến cuộc chiến chống nhập cư bất hợp pháp thành một trong những thông điệp vận động tranh cử mạnh mẽ nhất của mình, song Biden đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có một chính sách nhân đạo và một cái nhìn sâu sắc hơn về nguyên nhân đằng sau dòng người di cư ngày càng tăng.
Thúc đẩy chương trình nghị sự
Bất chấp những tranh chấp kéo dài, "bộ ba" Mỹ-Mexico-Canada vẫn tái khẳng định sức mạnh của mối quan hệ khu vực. Trong một tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo khẳng định: “Cùng là các quốc gia Bắc Mỹ, chúng ta sẽ đứng vững và hướng tới việc xây dựng lại tốt đẹp hơn cộng đồng của chúng ta, cơ sở hạ tầng và tương lai chung của chúng ta với tư cách là các đối tác đầy đủ.”
Tiềm năng của mối quan hệ hợp tác Mỹ-Mexico-Canada đã khiến nhiều người ủng hộ việc ba nước tăng cường hợp tác bền vững và lâu dài hơn. Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Mỹ năm 2014 và 2016, các nhà lãnh đạo đã thông qua một loạt sáng kiến ấn tượng mà ngày nay vẫn là những chủ đề được ưu tiên.
Các sáng kiến này bao gồm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của Bắc Mỹ, hợp tác sâu sắc hơn về giáo dục và đổi mới, đồng thời tăng cường hợp tác quản lý trong các lĩnh vực mũi nhọn và cần có sự phối hợp ví dụ như sản xuất ô tô. Ba quốc gia Bắc Mỹ này cũng xây dựng các cam kết chung về năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu. Họ bắt đầu làm việc để thiết lập các quy trình thương mại và du lịch hiện đại hơn, có khả năng tương thích cao hơn và quy hoạch hệ thống giao thông.
Các nhà lãnh đạo cũng cam kết xây dựng chính sách an ninh mạng, hợp tác chống buôn bán ma túy và nạn buôn người, và quan trọng là giúp giải quyết các thách thức về di cư và phát triển ở khu vực Trung Mỹ. Đáng tiếc, kế hoạch làm việc ấn tượng này đã bị gạt sang một bên sau năm 2016.
Theo ông Wayne, một chương trình nghị sự mới nên bao gồm việc áp dụng các bài học rút ra từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong đại dịch COVID-19, cũng như từ việc xử lý (chưa tốt) vấn đề hợp tác y tế và quản lý biên giới. Ba chính phủ phải hợp tác đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của cả ba nước.
Ngoài ra, theo ông Wayne, các nhà lãnh đạo có thể đi sâu vào các vấn đề khác vốn cũng rất quan trọng đối với tương lai của Bắc Mỹ, chẳng hạn như phát triển và triển khai các phương tiện chạy bằng điện (EV). EV sẽ biến đổi lĩnh vực ô tô, vốn là ngành công nghiệp rất quan trọng của Bắc Mỹ vì đây là lĩnh vực có sự hợp tác sâu rộng giữa các quốc gia.
Các chính phủ có thể hỗ trợ sự phát triển này, chẳng hạn như bằng cách hỗ trợ chuỗi cưng ứng các khoáng sản quan trọng, phát triển sản xuất pin và chất bán dẫn, hay cung cấp năng lượng “xanh” giá cả phải chăng. Và hội nghị thượng đỉnh khu vực Bắc Mỹ sẽ không thể trọn vẹn nếu không có các cuộc trao đổi nghiêm túc về cách quản lý vấn đề biến đổi khí hậu, ngay cả khi giữa các bên vẫn còn nhiều khác biệt.
Với một chương trình hành động mạnh mẽ được các nhà lãnh đạo ủng hộ, ba chính phủ sau đó có thể làm việc với các bên liên quan để thành công đạt được những tiến bộ cụ thể cho Bắc Mỹ.
Những công việc cần triển khai trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khu vực vào năm tới sẽ rất quan trọng. Thời điểm đã chín muồi cho hội nghị thượng đỉnh để tạo ra một kế hoạch hoạt động mạnh mẽ ở Bắc Mỹ và giúp cả ba nước phục hồi sau đại dịch và thực hiện lời hứa hợp tác./.