Hội nghị tham vấn toàn cầu về giảm rủi ro thiên tai

Ngày 19/2, Hội nghị tham vấn về “Giảm bớt rủi ro thiên tai và Chương trình Phát triển sau 2015” đã diễn ra tại Jakarta, Indonesia.
Ngày 19/2, Hội nghị tham vấn chuyên đề toàn cầu về “Giảm bớt rủi ro thiên tai và Chương trình Phát triển sau 2015,” do Chính phủ Indonesia và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức, đã diễn ra tại trung tâm thủ đô Jakarta của Indonesia.

Lễ khai mạc Hội nghị đã được tổ chức tại Dinh Tổng thống với sự tham dự của nhiều Bộ trưởng trong Chính phủ Indonesia, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách UNDP, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chương trình Phát triển sau 2015 của Indonesia, Đại sứ nhiều nước và các thành viên Đoàn ngoại giao tại Jakarta, đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế, và đông đảo phóng viên báo chí và truyền hình trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Indonesia Susilo Bamgbang Yudhoyono đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình Phát triển sau 2015 của Liên hợp quốc, nhất là sau khi thế giới sẽ nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc vào năm 2015, và sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, nhất là các thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.

Điểm lại những nỗ lực của thế giới đối phó với biến đổi khí hậu, Tổng thống Yudhoyono cho biết thiên tai đã ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới mỗi năm, trong có chịu thiệt hại nhiều nhất là những người nghèo; trong giai đoạn 2000-2009 đã có trên 2,2 tỷ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó có gần 840.000 thiệt mạng; trong vòng 25 năm trở lại đây thiệt hại kinh tế toàn cầu vì thiên tai đã tăng 200%, khi mức độ và tần suất xảy ra các thảm họa thiên tai gia tăng rõ rệt.

Tổng thống Indonesia nêu rõ Chương trình Phát triển hậu 2015 của Liên hợp quốc cần tập trung vào xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, trong đó có bốn vấn đề then chốt cần tiếp tục được quan tâm trong phát triển của toàn cầu. Đó là cần tăng cường xóa bỏ nghèo đói, phát triển con người, giáo dục, y tế, bình đẳng cho các em gái và phụ nữ; đảm bảo cơ sở hạ tầng, tạo việc làm, an sinh xã hội, công bằng, bình đẳng, chống bạo lực, thịnh vượng chung; thúc đẩy một mô hình phát triển bền vững, nhận biết và giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên và tính bền vững môi trường; xác định lại quan hệ đối tác về phát triển giữa chính phủ tất cả các nước, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự, trong đó đặc biệt chú trọng đến quản trị toàn cầu, nguồn và chất lượng phát triển tài chính, đầu tư trực tiếp nước ngoài, hợp tác Nam-Nam và thực thi kinh doanh có trách nhiệm.

Ông Yudhoyono nhấn mạnh rằng với những lý do trên, giảm bớt rủi ro thiên tai phải là một vấn đề, nội dung ưu tiên hàng đầu của Chương trình Phát triển hậu 2015, đồng thời cũng phải là mối quan tâm chung của tất cả các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các cộng đồng xã hội dân sự, các tổ chức quốc gia và quốc tế, cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân, bởi ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và trụ vững trước thiên tai còn gắn liền với việc đảm bảo quyền con người và sự phát triển của mỗi quốc gia.

Nhân dịp này, Tổng thống Yudhoyono một lần nữa khẳng định cam kết của Indonesia hoàn thành các MDG và đóng góp hết sức mình vào việc xây dựng và thực hiện Chương trình Phát triển hậu 2015 của Liên hợp quốc, trong đó có việc tăng cường hợp tác chặt chẽ và hiệu quả về vấn đề này với các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là Liên hợp quốc.

Hội nghị tham vấn đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển và những thác thức nổi bật đối với phát triển sau 2015; xác định khuôn khổ chung về khả năng trụ vững và các biện pháp đảm bảo trụ vững trước thảm họa thiên tai; chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về việc thực hiện các MDG liên quan đến các thảm họa thiên tai và xung đột; thảo luận các mục tiêu cụ thể về giảm bớt rủi ro thiên tai và gắn nội dung này cùng với quản lý rủi ro thiên tai vào Chương trình Phát triển sau 2015 cũng như với các mục tiêu của chương trình này.

Các đại biểu cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các nước châu Á-Thái Bình Dương, đang trở thành động lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, song cũng là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất vì các thảm họa thiên tai, và sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai. Điển hình như các thảm họa sóng thần ở Aceh-Indonesia năm 2004, động đất ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) năm 2008, bão Nargis tại Myanmar, lụt lớn tại Bangladesh năm năm 2004, động đất tại Pakistan năm 2005, đã khiến hàng trăm nghìn người chết và bị thương.

Còn trên phạm vi toàn thế giới, từ năm 1961 đến 2010, mỗi năm có tới 129,6 triệu người bị ảnh hưởng vì thiên tai, trong đó có khoảng 99.000 người thiệt mạng; từ năm 1980 đến nay, tổng thiệt hại trực tiếp vì thiên tai đã vượt 2.400 tỷ USD, trong đó chủ yếu là các nước nghèo, và đáng chú ý là chỉ có 3% số thiệt hại vì thiên tai gây ra ở những nước nghèo được bảo hiểm, so với tỷ lệ tương ứng 40% ở các nước giàu.

Về các mục tiêu giảm bớt rủi ro thiên tai, Hội nghị cũng đã thảo luận đề xuất của các tổ chức ODI, UNESCAP, UNDP, UNISDR..., trong đó có các mục tiêu như tới năm 2030 giảm được 20% số người bị ảnh hưởng và 50% số người chết vì thiên tai; giảm 20% thiệt hại về kinh tế và không có người bị rơi vào nghèo đói vì thiên tai; toàn bộ trẻ em được học tiểu học và biết đọc biết viết, giảm 50% số trẻ em thiệt mạng trong trường học vì thiên tai và không em nào bị chết trong các trường học được xây mới sau năm 2015; tất cả các cơ sở y tế, bệnh viện, chăm sóc sức khỏe được xây mới đều chịu được các rủi ro tại chỗ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục