Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường hướng tới hệ sinh thái

Hội nghị là dịp để các quốc gia thành viên ASEAN rà soát các chương trình hoạt động của ASOEN, đưa ra khuyến nghị góp phần đạt được mục tiêu của dự thảo Kế hoạch Chiến lược hợp tác môi trường ASEAN.
Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường hướng tới hệ sinh thái ảnh 1Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân. (Nguồn: baotainguyenmoitruong)

Từ ngày 24-27/1, Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường (gọi tắt là Hội nghị ASOEN 31) và các Hội nghị khác có liên quan được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Hội nghị là dịp để các quốc gia thành viên ASEAN cùng nhau rà soát các chương trình hoạt động của ASOEN, cũng như thảo luận nhằm đưa ra các khuyến nghị để các hoạt động của ASOEN ngày một hiệu quả, góp phần đạt được những mục tiêu của dự thảo Kế hoạch Chiến lược hợp tác môi trường ASEAN, đồng thời góp phần đạt được sự bền vững về môi trường trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Bên lề của Hội nghị ASOEN 31 đồng thời diễn ra các sự kiện: Hội nghị Đối thoại ASEAN-Nhật Bản về môi trường lần thứ 14 (gọi tắt là Hội nghị ADJEC); Hội nghị Quan chức cấp cao về môi trường ASEAN +3 lần thứ 17 (gọi tắt là Hội nghị ASEAN+3 SOME) và Hội nghị Đối thoại cấp cao ASEAN-EU về môi trường và biến đổi khí hậu lần thứ 2 (gọi tắt là Hội nghị ASEAN-EU HLD).

Tham dự Hội nghị có các quốc gia thành viên ASEAN (AMS), Ban Thư ký ASEAN (ASEC), Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB), đại diện Đại sứ quán 9 nước ASEAN tại Hà Nội.

Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện các đối tác gồm Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam , Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ).

Tiến sỹ Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với ông Dato’ Seri Ir. Dr. Zaini Ujang, Tổng Thư ký, Bộ Môi trường và Nước, Malaysia, đã phát biểu khai mạc Hội nghị.

[Tuyên bố Chủ tịch Cấp cao ASEAN lần 37: Gắn kết và chủ động thích ứng]

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu, Cục quản lý tài nguyên nước, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Văn phòng ASOEN Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch ASOEN Việt Nam, làm Trưởng đoàn Đoàn Việt Nam.

Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên ASEAN cùng với Ban Thư ký ASEAN cùng nhau rà soát lại kết quả hoạt động của 7 nhóm công tác: Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đới bờ; Nhóm công tác ASEAN về biến đổi khí hậu; Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải; Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn đa dạng sinh học; Nhóm công tác ASEAN về giáo dục môi trường; Nhóm công tác ASEAN về thành phố môi trường bền vững; Nhóm công tác ASEAN về quản lý tài nguyên nước.

Đệ trình lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về môi trường (AMME) là các tài liệu về: Các đề cử Vườn Di sản ASEAN mới; Kế hoạch hành động Khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa biển; Dự thảo Khung Chiến lược và Kế hoạch hành động Hợp tác ASEAN-Trung Quốc về môi trường; Lưu ý về năm Hợp tác phát triển bền vững ASEAN-Trung Quốc 2021; Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc về môi trường và biến đổi khí hậu (2021).

Tại Hội nghị ASOEN 31 đệ trình lên AMME còn có các tài liệu về Điều khoản tham chiếu của Ban Tài nguyên ASEAN; Đối thoại cấp cao ASEAN-Vương quốc Anh/Diễn đàn Bộ trưởng bên lề Phiên họp thứ 26 của Hội nghị các bên (COP 26) của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); Cập nhật về dự thảo Kế hoạch chiến lược ASEAN về môi trường; Tuyên bố chung ASEAN về tăng cường thích ứng với hạn hán.

Đặc biệt, tại Phiên bế mạc Hội nghị ASOEN 31 còn diễn ra Lễ bàn giao vai trò Chủ tịch ASOEN nhiệm kỳ tới từ phía Malaysia cho Myanmar (theo thứ tự bảng chữ cái tên các quốc gia).

Phiên khai mạc Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về môi trường lần thứ 31 (ASOEN) cũng diễn ra theo hình thức trực tuyến vào sáng 24/11 tại Hà Nội.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tài nguyên nước, môi trường biển và đới bờ, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, cũng như giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương cùng với nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

"Tôi cũng vui mừng thông báo tới toàn thể quý vị đại biểu là Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 17/11/2020 đã chính thức thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và Luật sẽ chính thức có hiệu lực vào 1/1/2022, là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam có thể phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường thời gian tới," Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, ở cấp độ khu vực, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa biển và các Tuyên bố chung ASEAN tại Hội nghị COP 15 và Hội nghị COP 26. Thông qua việc chung tay xây dựng và thực thi Kế hoạch hành động khu vực và cùng nhau đưa ra các Tuyên bố chung, các nước thành viên ASEAN sẽ thể hiện tinh thần gắn kết để cùng với cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

Cùng quan điểm này, Việt Nam hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 31, coi đây là dịp để chúng ta cùng nhau rà soát các chương trình hoạt động của ASOEN, cũng như thảo luận để đưa ra những khuyến nghị để các hoạt động của ASOEN ngày càng hiệu quả, góp phần đạt được các mục tiêu của dự thảo Kế hoạch Chiến lược hợp tác môi trường ASEAN, đồng thời góp phần đạt được sự bền vững về môi trường trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Để đạt được mục tiêu nói trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng các bên cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vấn đề cấp bách bao gồm ô nhiễm nước, không khí xuyên biên giới, rác thải nhựa đại dương, biến đổi khí hậu để đảm bảo mang lại phúc lợi xã hội tốt hơn và môi trường sống an toàn hơn cũng như bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học của Cộng đồng cho các thế hệ người dân ASEAN của hôm nay và mai sau.

Ngoài ra, trong bối cảnh các nước trong khu vực và toàn cầu đang phải ứng phó với đại dịch COVID, các bên cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa, tập trung nguồn lực để từng bước đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh COVID-19. Song song với đó, các bên cần tiếp tục sát cánh cùng nhau giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực trên cơ sở duy trì mối quan hệ hợp tác và tin cậy lẫn nhau và gắn kết sự tham gia, đóng góp của các Đối tác để giải quyết những thách thức mà chúng ta đã và đang phải đối mặt.

"Là thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên để hiện thực hóa các cam kết nhằm thực hiện hiện tốt nhất Kế hoạch tổng thể và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ để hiện thực hóa các cam kết của Hội nghị" - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục