Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 21-22/9/2017 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Hội nghị diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017.
Hội nghị sẽ có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và các quan chức cao cấp của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam.
Chương trình Hội nghị các Quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai lần thứ 11 sẽ tập trung vào các vấn đề tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.
[Chủ tịch nước: Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Tuần lễ APEC]
Cụ thể là chia sẻ, trao đổi về công tác ứng dụng công nghệ, tăng cường thông tin truyền thông và hợp tác liên vùng đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tăng cường hiểu biết chung về thiên tai “Bình thường mới” và những rủi ro thiên tai đang diễn ra xung quanh. Phát triển các giải pháp vận hành hạ tầng thông tin trong công tác điều hành, ứng phó với thiên tai. Đổi mới khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống các loại hình thiên tai “Bình thường mới”, trong đó tập trung giải quyết vấn đề sạt lở dải ven bờ, sạt lở đất và lũ quét, bão mạnh và siêu bão, sóng thần.
Theo Nhóm ứng phó khẩn cấp thảm họa thiên tai (EPWG-APEC), châu Á-Thái Bình Dương là khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều loại hình cả thiên tai và nhân tai.
Khái niệm "Bình thường mới” (hay New Normal) được sử dụng để phản ánh việc tình hình thiên tai hiện nay ngày càng phức tạp và không thể dự đoán trước cả về tần xuất, cường độ và mức độ tàn phá.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế thành viên của APEC thường xuyên phải hứng chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều loại hình thiên tai.
Việc tổ chức Hội nghị các Quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai lần thứ 11 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nơi vừa hứng chịu bão số 10 là cơ hội để Việt Nam tiếp cận với các thành tựu khoa học công nghệ mới, đồng thời vận động hỗ trợ và mở rộng hợp tác; cùng xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai tại các nền kinh tế APEC; góp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát, tăng cường sự chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu./.