Hội nghị OSCE không đạt được đồng thuận về vấn đề Ukraine

Các ngoại trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã không ký được văn kiện tổng kết về Ukraine do không đạt sự đồng thuận trong tổ chức.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OSCE. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy diễn ra với đề tài chính là giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhưng tại hội nghị ngày 4/12, các ngoại trưởng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã không ký được văn kiện tổng kết về Ukraine do không đạt sự đồng thuận trong tổ chức.

Chủ tịch OSCE đồng thời là Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter tuyên bố sau cuộc họp rằng qua thảo luận, các nước đã không vượt qua được những khác biệt về nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Âu này.

Bên cạnh đó, ông Burkhalter đánh giá cao thỏa thuận ngừng bắn mới nhất giữa hai Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk với chính quyền Kiev, coi đây là diễn biến tích cực của tình hình và nằm trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk với Nga và OSCE làm trung gian.

Tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk cũng được Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federika Mogherini ghi nhận và kêu gọi các bên tuân thủ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện quá trình đàm phán Minsk có sự tham gia của đại diện Donetsk và Lugansk. Ông cũng cho biết theo lời mời của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Nga đã cử các chuyên gia quân sự tới giúp các bên xung đột thống nhất được về phòng tuyến phân chia cũng như những bước đi cụ thể để rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng đệm phi quân sự có bán kính 15km về hai bên đường giới tuyến, nhằm cho phép triển khai phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE ở giữa các bên.

Tại Hội nghị lần này, các nước đồng chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE về giải quyết xung đột Nagornyi Karabakh, gồm Nga, Mỹ, Pháp, đã ra tuyên bố chung khẳng định tầm quan trọng của việc sớm bắt đầu đàm phán về thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột ở vùng lãnh thổ mà cả hai nước Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố chủ quyền này.

Ngoài ra, vấn đề chống buôn bán ma túy, đảm bảo an ninh tại Afghanistan sau khi lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) rút quân vào cuối năm nay cũng được Hội nghị thảo luận.

Bên lề Hội nghị OSCE, ngày 4/12 cũng diễn ra nhiều cuộc gặp song phương. Đáng chú ý nhất là cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Nga-Mỹ. Tuy không tránh khỏi những cáo buộc và bất đồng về vấn đề Ukraine, nhưng Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã trao đổi ý kiến về hàng loạt những đề tài thời sự khác trên thế giới và khu vực như giải quyết xung đột Palestine-Israel, triển vọng giải quyết xung đột ở Syria.

Đặc biệt, Bộ Ngoại giao Nga đánh giá hai bên đã có nhiều quan điểm tương đồng về vấn đề hạt nhân của Iran theo hướng cần thúc đẩy đạt thỏa thuận đầy đủ, tháo gỡ những mối quan ngại hiện nay về tính chất chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời đảm bảo quyền của nước này được phát triển công nghệ hạt nhân hòa bình dưới sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục