Hội nghị Ngoại vụ 19: Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác ngoại vụ

Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực biên giới; bảo tồn di sản văn hóa và đào tại, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại.
Hội nghị Ngoại vụ 19: Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác ngoại vụ ảnh 1Quang cảnh phiên thảo luận với nội dung "Công tác đối ngoại phục vụ phát triển của địa phương". (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 12/8, các đại biểu dự Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 họp về công tác chuyên môn và kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan ngoại vụ địa phương. Các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến trọng tâm đối với những nội dung trên.

Bảo đảm an ninh biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, thúc đẩy kinh tế-xã hội khu vực biên giới, ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh luôn xác định nhiệm vụ giữ gìn toàn vẹn chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển kinh tế là nhiệm vụ thiêng liêng, quan trọng hàng đầu.

Trong những năm qua, quan hệ giao lưu hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Lạng Sơn với Quảng Tây (Trung Quốc) được tăng cường thúc đẩy, ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực.

Trong đó, công tác hợp tác quản lý biên giới đã góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình ổn định, đảm bảo trật tự trị an khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.

Với nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, lượng khách du lịch qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì đà tăng trưởng.

Hàng năm, khu vực này thu hút khoảng 2.700 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu qua địa bàn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 2,4 tỷ USD với một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch lớn như: thanh long: 500.000 tấn; dưa hấu 200.000 tấn; xoài 300.000 tấn; sầu riêng 150.000 tấn; mít 250.000 tấn; vải thiều 120.000 tấn...

Theo ông Nguyễn Công Trưởng, tỉnh Lạng Sơn cũng quan tâm, ưu tiên nguồn lực, đầu tư nhiều dự án quan trọng vào các khu vực cửa khẩu và biên giới.

Các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh được quan tâm quy hoạch, đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các bến, bãi trong khu vực cửa khẩu, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu và các hoạt động giao thương.

Do đó, những năm gần đây, hoạt động thương mại, dịch vụ cửa khẩu phát triển khá toàn diện, trở thành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống nhân dân ở khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.

Là địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biên mậu với đường biên giới dài, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết, trong thời kỳ mở cửa của đất nước, tỉnh Tây Ninh có những giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo được yếu tố đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn với vấn đề an ninh biên giới.

Theo ông Trần Văn Chiến, thời gian qua, Tây Ninh đã không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, vai trò, đẩy mạnh phát triển kinh tế luôn gắn với vấn đề an ninh biên giới.

Để củng cố, tăng cường, phát triển mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã quan tâm chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động cụ thể như xây dựng các cầu bê tông vĩnh cửu, làm đường trải nhựa dọc biên giới… giúp cư dân hai bên biên giới giảm bớt khó khăn trong đi lại, nâng cao đời sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế biên mậu.

Địa phương cũng thường xuyên tổ chức các đoàn sang thăm, chúc Tết, thăm hỏi lẫn nhau, khám chữa bệnh, tặng xe lăn, xe lắc và quà tặng nhân dân có hoàn cảnh khó khăn… nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, giải quyết các vấn đề liên quan mà hai bên cùng quan tâm, vì lợi ích của hai quốc gia nói chung cũng như các tỉnh giáp biên nói riêng.

Tỉnh Tây Ninh và các tỉnh giáp biên đã tiến hành hội đàm thống nhất việc mở mới và nâng cấp một số cặp cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý của địa phương là Ka Tum và Chàng Riệc lên thành cửa khẩu chính.

[Công tác đối ngoại địa phương tập trung đẩy mạnh hội nhập quốc tế]

Ngoài ra, theo Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 26/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia đến năm 2020, Tây Ninh cũng đã xây dựng và trình các bộ, ngành có liên quan Đề án nâng cấp cửa khẩu phụ Phước Tân lên thành cửa khẩu chính.

Những nỗ lực của tỉnh Tây Ninh đã đem lại kết quả đáng khích lệ, thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng từ 732, 75 triệu USD năm 2016 lên 783,51 triệu USD năm 2017.

Riêng 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đã đạt được 423,45 triệu USD. Đồng thời, tình hình an ninh biên giới luôn được giữ vững, bảo đảm ổn định.

Đóng góp vào công tác bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Thế giới

Đánh giá về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa Thế giới góp phần tăng cường hội nhập quốc tế tại địa phương, ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là vùng đất có bề dày văn hóa, nơi lưu giữ hàng trăm di tích lịch sử-văn hóa, đặc biệt có hai Di sản văn hóa Thế giới là Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn và một Di sản văn hóa phi vật thể là Nghệ thuật Bài chòi.

Trong hơn 20 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư một phần kinh phí không nhỏ để bảo vệ, trùng tu, nâng cấp, phát huy những giá trị đích thực của các di sản; tu bổ, nghiên cứu, tìm giải pháp, đúc kết kinh nghiệm, tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế, trong nước để chọn lựa những giải pháp khả thi nhằm bảo vệ, tu bổ di tích.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, tỉnh Quảng Nam cũng đặc biệt coi trọng việc giữ gìn những phong tục, tập quán, lễ hội truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian mang đậm yếu tố văn hóa và nhân văn xứ Quảng.

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo phục dựng, tái hiện lại một số lễ hội dân gian, ca múa nhạc truyền thống của dân tộc của dân tộc Chăm tại Mỹ Sơn, góp phần làm sống lại “hồn” của di tích. Tại Hội An, song song với việc thống kê toàn bộ các di sản văn hóa phi vật thể, công tác bảo tồn, phát huy các lễ hội dân gian, nghệ thuật diễn xướng, phát triển làng nghề cũng được quan tâm thực hiện.

Ông Lê Văn Thanh đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của Quảng Nam trong khai thác các tiềm năng phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức thành công nhiều chương trình lớn như Lễ hội Quảng Nam hành trình di sản, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật, Lễ hội Đêm rằm phố cổ, Đêm Mỹ Sơn huyền ảo …

Việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa của Quảng Nam, trong đó chú trọng mở rộng hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản là một hướng đi đem lại nhiều kết quả tích cực của Quảng Nam.

Tỉnh đã hợp tác với gần 20 tổ chức quốc tế và quốc gia để tiến hành các hoạt động trùng tu, nghiên cứu bảo tồn di sản trên các lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường như: Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc, Nhật Bản, Canada, Italy, Ấn Độ… trong nhiều dự án có tính khả thi cao.

Thông qua các dự án hợp tác, tỉnh Quảng Nam có thêm nhiều cơ hội, kinh nghiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ, đội ngũ cán bộ, chuyên viên công tác trong lĩnh vực bảo tồn của tỉnh được đào tạo, trau dồi kiến thức thường xuyên nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu công việc.

[Phát huy vai trò đối ngoại trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương]

Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết: các danh hiệu di sản uy tín, có tác động sâu rộng đến nền kinh tế-xã hội của đất nước thậm chí là của nhiều nước nên luôn được UNESCO và các nước đề cao.

Nêu quan điểm của UNESCO về vấn đề di sản, bà Trần Thị Hoàng Mai cho rằng, đối với địa phương, khi có một di sản thiên nhiên văn hóa thế giới thì di sản đó không thể ở vị trí thứ nhì mà bắt buộc phải đặc sắc nhất.

Cùng với đó, tính toàn vẹn vô cùng quan trọng. Khi được công nhận là di sản, các đặc tính của di sản đó đều ảnh hưởng tới kinh tế của vùng có di sản. Vì vậy, các địa phương thường mong muốn có di sản.

Tuy nhiên, cần cân nhắc có di sản hay được tự do phát triển. Bên cạnh đó, di sản đôi khi không phải ở một địa phương mà có thể liên địa phương, thậm chí liên quốc gia. Đây là thực tế từng gặp ở Quảng Ninh, Cát Bà… hoặc trong tương lai có thể ở Lý Sơn-Tháp Chàm.

Cũng theo bà Trần Thị Hoàng Mai, hiện UNESCO đang đẩy mạnh các hoạt động đối với các công viên địa chất toàn cầu và các khu dự trữ sinh quyển.

Hướng đi này rất phù hợp với các nước đang phát triển, tác động tốt đến kinh tế, xã hội địa phương, điển hình là tỉnh Hà Giang.

Khi chưa được công nhận là Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn thì khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn chỉ thu hút được khoảng 30.000 khách du lịch đến mỗi năm, nhưng đến nay con số này đã tăng lên 1 triệu.

Bà Trần Thị Hoàng Mai cho rằng, các chính sách pháp luật cụ thể, bộ máy quản lý cần có hiệu lực nhằm tạo kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng với chính quyền địa phương và các cơ quan Trung ương.

Chuyển biến trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại

Là địa phương cửa ngõ của các tỉnh Tây Bắc, vùng đất di sản văn hóa, ông Đỗ Ngọc Dũng, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ cho biết, hoạt động đối ngoại của tỉnh Phú Thọ khá sôi động. Hiện nay, Phú Thọ đã thiết lập và duy trì quan hệ hữu nghị hợp tác cấp địa phương với một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Lào; đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng quan hệ hợp tác với một số đối tác châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương.

Hàng năm, tỉnh Phú Thọ và các cơ quan của tỉnh đón tiếp hàng ngàn lượt khách quốc tế đến thăm và làm việc.

Để nâng cao chất lượng nguồn cán bộ làm công tác ngoại vụ, tỉnh Phú Thọ đã tích cực chỉ đạo các cấp, ngành rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ hiện có; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng chức danh, vị trí việc làm gắn với quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ ngắn hạn cũng như dài hạn.

Hai năm qua, tỉnh Phú Thọ đã cử trên 300 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao tổ chức 6 lớp đào tạo cho trên 500 lượt cán bộ làm công tác đối ngoại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh khu vực phía Bắc cập nhật kiến thức về hội nhập quốc tế, nghiệp vụ tổ chức đoàn ra, đoàn vào, quản lý lãnh sự, lễ tân và thông tin đối ngoại, ngoại ngữ biên phiên dịch, nghiệp vụ công tác phi chính phủ nước ngoài…

Nhờ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác đối ngoại của tỉnh có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về số lượng, chất lượng; giúp cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực, chủ động hơn trong công tác, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Trong bối cảnh quan hệ hợp tác quốc tế đang được mở rộng tích cực như hiện nay, tỉnh Phú Thọ chú trọng thu hút nhân tài, đồng thời tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức đối ngoại cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đối với chuyên môn ngoại ngữ chuyên sâu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục