Trong cuộc họp ngày 2/12 ở Brussels, các ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí thành lập lực lượng phản ứng nhanh dưới hình thức "tạm thời," trong khi chờ đợi một lực lượng tinh nhuệ hơn hiện đang được chuẩn bị, để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của các đồng minh trong trường hợp bị đe dọa.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở NATO tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ tăng cường khả năng của Lực lượng phản ứng nhanh (NRF) tồn tại từ một thập kỷ nay, bao gồm việc thành lập Lực lượng đặc nhiệm có tính sẵn sàng chiến đấu cao (VJTF) vào đầu năm 2016 và đây sẽ là một phần của của Lực lượng phản ứng nhanh của NATO gồm 13.000 quân.
Trong lúc chờ đợi triển khai lực lượng mũi nhọn này, NATO quyết định thành lập một "VJTF tạm thời" vào đầu năm 2015 với quân số do Đức, Na Uy, Hà Lan đóng góp. Lực lượng này sẽ được triển khai ban đầu với quân số hạn chế nhằm thử nghiệm trước khi tăng quân số.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders, lực lượng này sẽ gồm vài trăm quân sau đó sẽ được tiếp tục tăng lên. Quân đội Đức đã cử đơn vị bộ binh 371 gồm 900 binh lính tham gia lực lượng mới của NATO.
Bên cạnh đó, các ngoại trưởng NATO cũng tuyên bố ủng hộ Ukraine khi chính phủ mới đang tiến hành các cải cách cơ bản. Theo Tổng thư ký Stontenberg, NATO quyết tâm giúp đỡ Ukraine thực hiện các cải cách cũng như tăng cường hỗ trợ nhằm giúp Ukraine có thể đảm bảo an ninh của mình.
Tại cuộc họp, các ngoại trưởng cũng cho biết quỹ hỗ trợ đặc biệt và các dự án liên quan đến chỉ huy, kiểm tra, thông tin, truyền thông, hậu cần, chống tin tặc… đã được triển khai. Tổng thư ký Stoltenberg cũng cho rằng các quỹ hỗ trợ này là một "dấu hiệu cụ thể" của sự hỗ trợ của NATO nhằm giúp các lực lượng phòng vệ của Ukraine hiện đại hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn.
Liên quan đến vấn đề Afghanistan, quyết định triển khai lực lượng hỗ trợ cho Afghanistan thể hiện cam kết của các đồng minh và đối tác của NATO liên kết với chính quyền Afghanistan kể từ Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Lisbon (2010), Chicago (2012) và ở xứ Wales hồi đầu tháng Chín vừa qua.
Tổng thư ký Stoltenberg cũng khẳng định tiếp tục đóng góp tài chính cho lực lượng ở Afghanistan trong năm 2015 và sau đó, đồng thời tăng cường mối quan hệ đối tác bền vững giữa NATO và Afghanistan, thể hiện bằng việc thành lập một nhóm đặc biệt có nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ đối tác này./.