Hội nghị Kinh tế đối ngoại hướng tới duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý

Vietnam Summit 2016 là cơ hội cho Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia tìm hiểu những vấn đề cấp bách nhất, cùng thảo luận về cơ hội và thách thức, tìm ra câu trả lời cho tương lai phát triển đất nước.
Hội nghị Kinh tế đối ngoại hướng tới duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý ảnh 1Các doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 (Vietnam Summit 2016), do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tạp chí The Economist (Anh) phối hợp tổ chức với chủ đề “Ra khơi thuận buồm, xuôi gió” đã khai mạc sáng 3/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế, các chuyên gia, học giả trong lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Jons Fasman, Trưởng văn phòng khu vực Đông Nam Á, Tạp chí The Economist, chia sẻ Vietnam Summit 2016 là cơ hội cho Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả tìm hiểu những vấn đề cấp bách nhất của đất nước, cùng thảo luận về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, tìm ra câu trả lời cho tương lai phát triển của đất nước.

Mở đầu chương trình Hội nghị, ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã có những chia sẻ về quan điểm chính sách của Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh 30 năm đổi mới đã mang lại nhiều thành tựu kinh tế to lớn cho Việt Nam với thời gian dài đạt mức tăng trưởng kinh tế cao. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu thay đổi để đảm bảo sự phát triển một cách bền vững.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ Việt Nam mong muốn duy trì sự tăng trưởng hợp lý, khoảng 6,5-7%/năm trong vòng 5 năm tới. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy các yếu tố nâng cao năng suất, áp dụng công nghệ và kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng.

Cùng với thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, gia tăng giá trị thương mại với các đối tác nước ngoài, Việt Nam cũng cần tiếp tục quan tâm thị trường trong nước, kích thích hoạt động sản xuất trong nước.

Bên cạnh các biện pháp đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị các doanh nghiệp.

Về mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ minh bạch trong chính sách, đưa ra các chính sách tạo mọi điêu kiện thuận lợi trong phạm vi pháp luật để tạo ra sân chơi công bằng, bình đẳng cho doanh nghiệp và người dân phát huy hết khả năng của mình trong hoạt động kinh doanh.

Chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp khuyến khích các địa phương thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, tạo môi trường cạnh tranh hiệu quả và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên sử dụng kỹ thuật cao, đảm bảo vấn đề môi trường, tích cực sử dụng hiệu quả nhân công tay nghề cao.

Với chủ đề “Ra khơi thuận buồm, xuôi gió,” các đại biểu đã tập trung thảo luận và đối thoại về các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh của Việt Nam, bao gồm Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu; Tương lai của công nghiệp sản xuất; Đột phát trong kinh doanh; Xây dựng Việt Nam công nghiệp hóa và thảo luận về vấn đề vị trí Việt Nam trong địa chính trị khu vực và thế giới.

Ban Tổ chức hy vọng Hội nghị lần này sẽ đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, muốn tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, củng cố và tạo lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài làm ăn lâu dài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là cơ hội để Chính phủ Việt Nam trực tiếp nghe phản hồi về chính sách của mình, từ cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, cũng như lãnh đạo các cơ quan, ngành của Chính phủ có cơ hội trình bày chính sách của ngành mình, đối thoại trực tiếp và giải quyết các thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục