Hội nghị khoa học toàn quốc về chăm sóc sức khỏe

Hội thảo tập trung vào các ứng dụng khoa học chăm sóc sức khỏe như ghép tạng, can thiệp mạch và nội soi; nghiên cứu y sinh học.
Hội nghị khoa học toàn quốc về chăm sóc sức khỏe ảnh 1Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân sau ghép tạng. (Nguồn: TTXVN)

Hội nghị khoa học công nghệ toàn quốc về chăm sóc sức khỏe đã diễn ra ngày 6/3 tại Học viện Quân y (Hà Nội), thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và một số nhà khoa học nước ngoài đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại Hội nghị, các đại biểu báo cáo hơn 30 tham luận, tập trung vào các ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc sức khỏe nhân dân như ghép tạng, can thiệp mạch và nội soi; tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực y dược; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu y sinh học.

Có thể kể đến một số tham luận được nhiều đại biểu quan tâm như "Phát triển thuốc từ độc tố tự nhiên"; "Điều trị chấn thương thận bằng phẫu thuật nội soi và can thiệp mạch"; "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị ung thư da tại Bệnh viện Da liễu Trung ương"; "Cơ chế tác dụng của globulin miễn dịch lòng đỏ trứng gà kháng độc tố tả"...

Học viện Quân y là một trong những đơn vị đi đầu, giành được nhiều thành tựu nổi bật trong ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào điều trị, chăm sóc sức khỏe quân và dân.

Theo trung tướng, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y cho biết Học viện là đơn vị đầu tiên của ngành y tế tiến hành ghép thận, ghép gan và ghép tim đầu tiên ở Việt Nam.

Tiếp nối thành công này, ngày 1/3 vừa qua, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đã thực hiện thành công ca ghép đồng thời tụy-thận từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Học viện Quân y còn thực hiện tốt các kỹ thuật khác như: ứng dụng kỹ thuật nội soi trong điều trị bệnh lý hô hấp và bệnh lý trung thất; ứng dụng kỹ thuật sinh học để chẩn đoán một số vi nấm gây bệnh nội tạng; sử dụng kỹ thuật cắt lưỡng cực, bốc hơi tổ chức và laser để điều trị u lành tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang...

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Học viện đã xây dựng được quy trình kỹ thuật chẩn đoán bệnh di truyền trước chuyển phôi, ứng dụng công nghệ phôi trong điều trị bệnh hiếm muộn vô sinh; nghiên cứu tế bào gốc trong điều trị bỏng, tế bào gốc dây rốn...

Về lĩnh vực nghiên cứu dược học, Học viện tiếp tục phát triển ứng dụng các công nghệ chiết xuất, bào chế hiện tại như: công nghệ sinh khối tế bào thực vật, công nghệ nano trong dược phẩm...

Vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX, y học phát triển trên cơ sở lý thuyết khoa học cơ bản, khoa học cơ sở kinh nghiệm lâm sàng với các phương tiện nhìn, sờ, gõ, nghe thông thường.

Sau đó sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học công nghệ trên thế giới đã đáp ứng nhu cầu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào chăm sóc và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Trong những năm gần đây, Việt Nam cũng đã có điều kiện ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới bằng nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến của thế giới vào y học.

Việt Nam đã thực hiện được ghép đơn tạng, đa tạng, ghép tạng từ người cho chết não; đặt stent động mạch vành tim, động mạch não.

Đặc biệt, Việt Nam tự hào là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất được vắcxin Rota phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục