Ngày 13/12, Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP-20) tại Lima, Peru tiếp tục bế tắc bất chấp việc đã được bổ sung thêm hai ngày nhằm kéo dài thời gian thương lượng giữa các bên.
Nhóm các nước đang phát triển tiếp tục phản đối dự thảo mà họ đánh giá là không cân đối được việc giải quyết lượng khí thải carbon với việc hỗ trợ các nền kinh tế dễ bị tổn thương và cho phép các nước giàu lẩn tránh trách nhiệm trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Các nền kinh tế phát triển muốn các cam kết về cắt giảm khí thải trong khi các nền kinh tế đang phát triển muốn các cam kết hỗ trợ tài chính. Các nước đang phát triển cho rằng Phương Tây phải gánh trách nhiệm lớn trong cuộc chiến khí hậu vì tình trang biến đổi khí hậu là hậu quả của hàng thập kỷ phát triển kinh tế của những nước này.
Trong khi đó, các nước giàu lại đổ trách nhiệm sang các quốc gia đang phát triển mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ vì cho rằng việc đốt than để cung cấp năng lượng cho sự bùng nổ tăng trưởng là nguyên nhân sản sinh ra lượng khí thải lớn trên toàn cầu.
Bộ trưởng Môi trường Peru, chủ tọa hội nghị, đã gặp gỡ các trưởng đoàn tối 13/12 trong nỗ lực đưa ra một dự thảo mới mà các bên có thể chấp nhận. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như khó có kết quả. Trưởng đoàn đàm phán Bolivia cho biết hầu hết các đại diện châu Phi đã rời hội nghị.
Mục tiêu của hai tuần hội nghị tại Lima là đạt được một thỏa thuận, được coi là xương sống cho hiệp ước khí hậu toàn cầu dự kiến được thông qua tại hội nghị tổ chức ở Paris năm 2015. Mặc dù đây không phải là mục tiêu tham vọng vì chỉ dừng lại ở mức thỏa thuận về việc các vấn đề được nêu ra, song bất đồng giữa các bên tiếp tục đẩy hội nghị Lima vào bế tắc.
Đại diện Mỹ Told Stern cảnh báo thất bại của hội nghị Lima có thể đẩy Công ước khung về biến đổi khí hậu, diễn đàn toàn cầu có 22 năm hoạt động, bị sụp đổ và hội nghị Paris trong năm tới đứng trước nguy cơ thất bại.
Hội nghị COP-20 diễn ra từ ngày 1-12/12 tại thủ đô Lima, Peru, với sự tham dự của các quan chức đến từ 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC). Đây là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót cho việc đạt được một hiệp định mới về khí hậu tại vòng thảo luận năm sau tại Pháp, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2020./.