Hội nghị IATA 2023 thảo luận vấn đề giảm khí thải ngành hàng không

Dự kiến, Hội nghị IATA 2023 sẽ lần đầu tiên đưa ra thảo luận vấn đề cắt giảm các loại khí thải không phải CO2, chẳng hạn như vệt khói trắng ở đuôi máy bay trên bầu trời.
Máy bay của hãng hàng không Qantas Airline cất cánh từ sân bay quốc tế Ngurah Rai, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tổ chức hội nghị thường niên từ ngày 4-6/6 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để thảo luận các biện pháp nhằm hiện thực hóa các cam kết về khí hậu.

Hội nghị IATA 2023 do hãng hàng không giá rẻ Pegasus của Thổ Nhĩ Kỹ đăng cai tổ chức. Đây là lần đầu tiên một hãng hàng không giá rẻ chủ trì hội nghị của một tổ chức quốc tế gồm các hãng hàng không quốc gia.

Dự kiến, hội nghị sẽ lần đầu tiên đưa ra thảo luận vấn đề cắt giảm các loại khí thải không phải CO2, chẳng hạn như vệt khói trắng ở đuôi máy bay trên bầu trời.

[Hàng không châu Âu có thể mất lợi thế do các quy định giảm khí thải]

Các hãng hàng không cũng đang đối mặt với sức ép phải trình bày tại hội nghị kế hoạch hành động trong dài hạn nhằm đáp ứng mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.

Các biện pháp ngăn chặn tình trạng gián đoạn hoạt động hàng không như năm 2022 và vấn đề bồi thường khách hàng cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị.

Hội nghị IATA năm nay diễn ra trong bối cảnh các hãng hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ, đang phục hồi nhanh hơn dự báo sau đại dịch COVID-19.

IATA dự báo ngành hàng không toàn cầu có thể đạt lợi nhuận 4,7 tỷ USD trong năm nay, sau khi thua lỗ 6,9 tỷ USD vào năm ngoái.

Cũng theo IATA, sau khi các hãng hàng không trên thế giới thua lỗ tổng cộng 190 tỷ USD và rơi vào cảnh nợ nần trong đại dịch, hội nghị hàng không năm nay đánh dấu một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp trị giá 800 tỷ USD này.

Chuyên gia Paul Charles, nhà sáng lập công ty tư vấn, tiếp thị thương mại và du lịch PC Agency, cho biết nhu cầu đi lại trên thế giới hiện đang ở các mức cao kỷ lục sau 3 năm đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng ngành hàng không toàn cầu vẫn đối mặt nhiều rủi ro liên quan chuỗi cung ứng, trong khi giá dầu vẫn ở mức cao hơn 20% so với các mức trước đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục