Hội nghị G7 có phải là khởi đầu cho Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung

Mặc dù quan hệ Mỹ-Trung hiện rất khác so với sự đối đầu Mỹ-Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng âm vang thời đại đó được tìm thấy trong thông điệp từ Tổng thống Biden trong chuyến công du châu Âu.
Hội nghị G7 có phải là khởi đầu cho Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo The Diplomat, Eastasia Forum, The Straits Times, sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một điểm đáng chú ý là Tuyên bố chung của G7 lần đầu tiên đề cập và chỉ trích Trung Quốc trên nhiều phương diện, và cũng lần đầu tiên đưa Trung Quốc vào Tuyên bố chung của NATO mang tính thách thức một cách hệ thống.

Mặc dù quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay rất khác so với sự đối đầu Mỹ-Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh theo nhiều cách thức, nhưng âm vang của thời đại đó được tìm thấy trong thông điệp từ Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du châu Âu của ông, đó là phương Tây phải tập hợp để tự bảo vệ mình trước một thách thức hệ tư tưởng toàn cầu từ Trung Quốc.

Khởi đầu cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới?

Chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi ông nhậm chức, có mục tiêu là sửa chữa các mối quan hệ với một số đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Nhưng giới quan sát cho rằng, thông điệp cơ bản của chuyến công du này là tập hợp châu Âu cho cuộc đối đầu mà Tổng thống Mỹ tin rằng hiện đang ở phía trước; đó là cuộc chiến giữa các hệ thống chính trị kiểu phương Tây và Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden phát biểu khi bắt đầu chuyến công du của mình: Đây là câu hỏi xác định trong thời đại của chúng ta. Liệu các nền dân chủ có thể tập hợp để đem lại những kết quả thực sự cho người dân của chúng ta trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng?

Phải chăng các liên minh và các thể chế dân chủ đã hình thành trong phần lớn thế kỷ qua sẽ chứng tỏ được khả năng của mình trong việc chống lại các mối đe dọa...? Tôi tin rằng câu trả lời là có. Và tuần này ở châu Âu, chúng ta có cơ hội để chứng minh điều đó.

Nhiều học giả đã chú ý về sự tương đồng giữa những lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ hiện nay với những lời kêu gọi của các Tổng thống Mỹ trước đây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Biden coi Trung Quốc là một thách thức toàn diện, tác động đến mọi mặt của chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ. Như những người tiền nhiệm của ông trong Phòng Bầu dục trong những ngày đen tối nhất của thời kỳ Chiến tranh Lạnh từng tin tưởng, ông Biden cũng bắt đầu từ giả định rằng thách thức hiện nay đối với ưu thế của Mỹ đưa ra một thử thách khổng lồ về ý chí mà từ đó Mỹ và các đồng minh của mình không được đảm bảo giành thắng lợi trừ phi họ dốc hết sức lực của mình.

Tuy nhiên, điểm tạo nên sự tương đồng rõ rệt hơn giữa thông điệp của ông Biden về Trung Quốc ngày nay với bầu không khí của những ngày Chiến tranh Lạnh là niềm tin của Tổng thống Mỹ hiện nay rằng sự đối đầu với Bắc Kinh sẽ không chỉ về những vấn đề hữu hình như thương mại hay cán cân các lực lượng vũ trang, mà còn về lý tưởng và hệ tư tưởng.

[Quan hệ lạnh về chính trị, nóng về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc]

Đối với nhiều nhà hoạch định chính sách hiện nay, bất kỳ sự so sánh nào giữa thế giới ngày nay với cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ từ cuối những năm 1940 đến đầu những năm 1990 đều là phi lý, nếu không muốn nói là nguy hiểm.

Cuộc chiến này chỉ được gọi là “lạnh” vì cuối cùng đã không dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, đối với những người sống ở nhiều nước trên khắp thế giới, cuộc Chiến tranh Lạnh này là “nóng” trên mọi khía cạnh.

Tình hình hiện nay không thể so sánh với những trải nghiệm của nửa thế kỷ đó. Trung Quốc và Mỹ nghi ngờ nhau sâu sắc về những ý định quân sự, nhưng binh lính của họ chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến.

Washington và Bắc Kinh có thể đang tranh giành ảnh hưởng trên khắp thế giới và các nhà lập kế hoạch của Mỹ dường như đang theo dõi sát sao việc lực lượng hải quân Trung Quốc tiếp tục phát triển và Bắc Kinh đang tìm kiếm thêm các căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Nhưng những điều đó vẫn khác xa với các cuộc chiến tranh ủy nhiệm trước đây ở những nơi xa xôi như Afghanistan, Angola hay các khu rừng nhiệt đới của khu vực Trung Mỹ.

Tuy nhiên, có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa cuộc đối đầu Mỹ-Trung hiện nay và cuộc Chiến tranh Lạnh trước đây là giờ đây Trung Quốc gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, Trung Quốc là một trong những trụ cột kinh tế then chốt của thế giới.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế mà toàn cầu hóa tạo ra giữa các quốc gia cho thấy rằng, bất kỳ quan điểm nào về thế giới ngày hôm nay như một cuộc đối đầu song phương giữa hai phe giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh dường như có vẻ gượng ép.

Nhiều chuyên gia Mỹ cũng đã chỉ trích quan điểm của chính quyền Tổng thống Joe Biden khi họ cho rằng cuộc đối đầu với Trung Quốc là cuộc đối đầu về hệ tư tưởng.

Theo đánh giá của chính quyền Mỹ hiện nay, thách thức hệ tư tưởng của Trung Quốc là một chiến lược nguy hiểm hơn nhằm làm mất uy tín các phương pháp quản trị của phương Tây.

Các nỗ lực trực tiếp của Trung Quốc không chỉ nhằm cho thấy mô hình quản trị của Bắc Kinh ngang bằng với của phương Tây, trên nhiều phương diện thậm chí còn ưu việt hơn so bất kỳ mô hình nào mà phương Tây đang điều hành.

Theo ông Biden, mối đe dọa từ Trung Quốc không phải là mối đe dọa có thể khắc phục được bằng việc yêu cầu Bắc Kinh mua đậu tương của Mỹ nhiều hơn để giải quyết sự mất cân bằng thương mại, như người tiền nhiệm của ông - cựu Tổng thống Donald Trump - đã làm.

Thay vào đó, điều mà Mỹ đang phải đối mặt là một thách thức toàn cầu về khả năng tồn tại của các hệ thống chính trị phương Tây, và là thách thức cuối cùng tác động đến tất cả các quốc gia phương Tây.

Cam kết của G7 về việc đẩy nhanh hỗ trợ cho các chương trình tiêm phòng vaccine trên toàn thế giới cũng như cung cấp nguồn tài chính để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển đều nhằm chứng minh rằng các quốc gia phương Tây có thể làm được những việc mà Trung Quốc đang làm và thậm chí có thể thành công hơn.

Một nỗ lực nhằm tỏa sáng hơn Trung Quốc trong cuộc chơi của chính mình và chứng minh sức sống lâu bền của phương thức quản trị phương Tây sẽ tốn kém và đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế rất lớn.

Vai trò của một mặt trận thống nhất

G7 có thể chưa phát triển thành nhóm 10 nước dân chủ thường trực (D10), song Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra tại Cornwall (Anh) vừa qua đã cho thấy giá trị trong cách tiếp cận theo đường lối đa phương của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Trung Quốc.

Các nền dân chủ tự do không những đoàn kết hơn, mà giờ đây còn đưa ra một sáng kiến thực chất đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

Trước thềm hội nghị G7 năm nay đã xuất hiện những đồn đoán rằng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là "bệ phóng" cho việc hình thành nhóm D10. Với vai trò là nước chủ nhà, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra sáng kiến mời các nền dân chủ Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 (và sau đó còn mời cả Nam Phi).

Theo tầm nhìn của nhóm tư vấn chính sách cho Johnson, D10 sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và mạng viễn thông không dây thế hệ thứ 5 (5G).

Cho đến nay, việc mở rộng G7 thành D10 vẫn bị bỏ ngỏ. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thừa nhận rằng việc hợp tác với một nhóm nước có cùng chí hướng để xử lý từng vấn đề sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc chính thức tái cấu trúc G7.

Thế nhưng, sự phản hồi tới nay đã và sẽ không phủ bóng lên những thành công của chính quyền Tổng thống Biden trong việc gắn kết các nền dân chủ tự do trên thế giới hướng tới một quan điểm chung chống Trung Quốc. Thông cáo sau hội nghị G7 mang tựa đề "Chương trình nghị sự chung cho hành động toàn cầu để xây dựng lại tốt đẹp hơn" là minh chứng rõ ràng cho điều nói trên.

Điều này không nhằm bỏ qua thực tế rằng những rạn nứt trước đây trong nhóm đã tiêu tan. Cả Pháp và Đức đều muốn duy trì sự độc lập của châu Âu trước Washington.

Trong khi đó, chắc chắn, Thủ tướng Boris Johnson sẽ tiếp tục nỗ lực hành động theo cách mà một quan chức của nước thành viên G7 miêu tả là "vừa muốn duy trì vị thế độc lập với Mỹ vừa muốn tỏ thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc."

Dần dần, sẽ không có gì ngạc nhiên khi các lãnh đạo G7 "hạ giọng" đối với Bắc Kinh, bằng cách bác bỏ bất kỳ thái độ thù địch nào đối với Trung Quốc hoặc đề cập về sự cần thiết hợp tác với gã khổng lồ châu Á này về vấn đề biến đổi khí hậu.

Tuyên bố quan trọng nhất và có khả năng đem lại những thay đổi lớn lao đối với G7 là việc đưa ra Sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (Sáng kiến B3W) như một thay thế đối với sáng kiến cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc.

B3W không chỉ nhằm thách thức tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở các nước đang phát triển, mà còn nỗ lực loại bỏ những khía cạnh tiêu cực liên quan những khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp các lục địa Á-Âu-Phi, trong đó gồm có vấn đề nhân quyền, môi trường và nguy cơ bẫy nợ tiềm ẩn.

Để khắc phục những vấn đề như vậy, B3W tập trung vào các tiêu chí như giá trị, chất lượng cao và tính minh bạch. Tuy nhiên, chi tiết về cách thức cấp vốn cho B3W vẫn còn là điều chưa rõ ràng.

Giờ đây, thách thức đối với chính quyền Biden là việc thuyết phục các thành viên G7 đóng góp tài chính cho nhu cầu vốn của B3W có thể lên đến hàng trăm tỷ USD. Mặc dù chủ đề chính xuyên suốt G7 là "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn," song việc các thành viên "mở hầu bao" để đóng góp cho B3W có thể là điều khó khăn hơn cả việc thuyết phục họ cam kết với những giá trị và những ngôn từ được thống nhất trong nhóm.

Nhìn chung, có thể thấy chính quyền của Tổng thống Biden đã “ghi điểm” trong việc khích lệ các nước khác cùng chung tay hành động chống lại Trung Quốc trong bối cảnh triển vọng các nước phối hợp với chính sách của Mỹ dường như mong manh. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng bình luận: "Nếu 6 tháng trước đây bạn hỏi tôi rằng liệu tôi có nghĩ rằng Brussels, Ottawa, London và Washington sẽ cùng ban hành biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề nhân quyền hay không, thì tôi đã đánh cược là không thể."

Mặc dù chủ nghĩa hoài nghi về Trung Quốc chưa phát triển nhanh tới mức cần phải thiết lập một mặt trận liên minh dân chủ mới, song sự nghị kỵ về Trung Quốc đã giúp G7 đoàn kết trở lại. Như nhiều nhà quan sát tình hình Trung Quốc ở phương Tây ghi nhận, vấn đề Trung Quốc nổi bật hơn trong chương trình nghị sự của G7 năm nay so với các chương trình nghị sự của các năm trước, với việc các nhà lãnh đạo G7 "chỉ đích danh" Trung Quốc liên quan một số vấn đề nhạy cảm. Chắc chắn, điều này một phần là do chính sách đa phương của chính quyền Tổng thống Biden.

Liệu có hay không khả năng hợp tác Mỹ-Trung trong thời kỳ mới

Một trong những câu hỏi hóc búa nhất trong thời kỳ “băng giá” hiện nay của mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh là liệu có nên theo đuổi hợp tác trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị “khắc nghiệt” hay không và bằng cách nào. Mặc dù rất quan trọng, song thực tiễn hợp tác hiếm khi được phân tích chặt chẽ để từ đó đưa ra được chiến lược hiệu quả.

Nếu suy xét kỹ lưỡng sẽ nhận thấy những lý do khiến Mỹ theo đuổi việc hợp tác với Trung Quốc sẽ không mang lại kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, việc áp dụng một vài nguyên tắc có thể giúp điều hòa tốt hơn các yếu tố cạnh tranh và hợp tác trong mối quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời làm cho các nỗ lực trong tương lai nhằm phối hợp với Bắc Kinh trở nên hiệu quả và bền vững hơn, ngay cả khi chương trình nghị sự tổng thể hẹp hơn nhiều cả về quy mô lẫn tham vọng.

Về mặt lý thuyết, hợp tác trong quan hệ Mỹ-Trung nhằm phục vụ hai mục đích. Thứ nhất, cùng nhau hợp tác trong các lĩnh vực mà hai cường quốc có lợi ích chung về mặt danh nghĩa.

Những lĩnh vực này bao gồm y tế toàn cầu, không phổ biến hạt nhân, chống khủng bố, chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế quốc tế. Thứ hai, mang lại sự ổn định cho quan hệ Mỹ-Trung, và điều này thậm chí có thể làm giảm các căng thẳng trong những lĩnh vực mà hai cường quốc bất đồng. Tư duy ở đây là làm việc cùng nhau vì mục tiêu chung sẽ giúp tạo ra một bối cảnh mang tính xây dựng hơn để giải quyết các tranh chấp.

Tuy nhiên, hiện cả hai lý do để Mỹ và Trung Quốc cùng hợp tác đều gặp phải những trở ngại lớn. Gần như mọi lĩnh vực hợp tác trên danh nghĩa đều cần phải vượt qua những trở ngại lớn trước khi hai bên có thể làm việc cùng nhau một cách có ý nghĩa. Nói cách khác, hai bên đang gặp khó khăn trong việc hợp tác ngay cả trong các vấn đề “mang tính hợp tác.”

Nhiều vấn đề liên quan tới đại dịch COVID-19 đã khiến phối hợp y tế toàn cầu trở nên khó khăn. Việc Chính phủ Trung Quốc vẫn ủng hộ điện than là một trở ngại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Và Bắc Kinh không chấp nhận các tiêu chuẩn đã được thiết lập về hoạt động cho vay cũng như tác động xã hội và môi trường của các dự án cơ sở hạ tầng thuộc BRI đã gây ra nhiều vấn đề cho sự phát triển kinh tế quốc tế.

Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang đặt ra câu hỏi: Việc hợp tác với Trung Quốc có mang lại thêm giá trị nào không so với việc sử dụng cùng công sức ấy để xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đồng minh và đối tác của Mỹ, hay chỉ đơn giản là cải thiện khả năng hành động của Mỹ? Cụ thể lợi ích ở đây là gì, ngoài quan điểm mờ nhạt cho rằng hợp tác là tốt đẹp?

Kết quả là những tác động đều đều trước đây mà các lĩnh vực hợp tác mang lại, vốn luôn ở mức khiêm tốn, nay hầu như không còn nữa. Thói quen hợp tác đang dần biến thành thói quen cạnh tranh.

Điều này càng được thúc đẩy bởi quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ rằng Trung Quốc đã tìm cách nâng cao ảnh hưởng của mình trong các cuộc tranh chấp bằng cách đe dọa sẽ rút lại sự ủng hộ đối với các hoạt động hợp tác.

Dưới đây là một số nguyên tắc sẽ giúp định hình tư duy của Mỹ về việc liệu có nên hợp tác với Trung Quốc trong tương lai hay không và làm điều đó như thế nào.

Thứ nhất, cả hai bên nên hạ thấp kỳ vọng trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ qua. Cả hai bên cần thừa nhận rằng không gian cho việc hợp tác thực sự là tương đối hẹp, cho tới khi có những cải thiện đáng kể trong bầu không khí giữa hai nước.

Nghịch lý là kỳ vọng ít hơn có thể cho phép cả hai bên tiếp cận các vấn đề với một cách thực tế hơn và do đó đem lại kết quả tốt hơn, so với khi một trong hai bên cố gắng quay trở lại kỷ nguyên “cam kết” trước đó.

Từ ngữ trong các tuyên bố chính thức của Mỹ - vốn thể hiện sự lưỡng lự trong việc sử dụng thuật ngữ “hợp tác” - cho thấy rằng sự thay đổi này đang diễn ra. Những tuyên bố này bao gồm việc đề cập đến "các can dự thực tiễn, hướng tới thành quả" tuyên bố của Ngoại trưởng Antony Blinken rằng mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ là "hợp tác khi có thể" và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói đến "các lĩnh vực liên kết chiến thuật khá hẹp."

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách không nên cho rằng bất kỳ vấn đề nào cũng đều nằm trong phạm trù cạnh tranh hoặc hợp tác, hầu hết mọi vấn đề sẽ có cả hai yêu tố này.

Thứ hai, các nỗ lực hợp tác trong tương lai nên tập trung vào các hành động cụ thể hơn là mang tính biểu tượng. Chủ nghĩa tượng trưng có thể là một công cụ hữu ích trong ngoại giao, nhưng trong vài năm tới, mục tiêu sẽ là tạo ra những lợi ích hữu hình. Tạo ra những nhận thức tích cực hoặc ám chỉ những gì có thể đạt được trong tương lai sẽ là không đủ.

Thứ ba, cần theo đuổi các hành động chung thông qua các tiến trình đa phương bất kể khi nào có thể. Làm việc thông qua các kênh như vậy sẽ có lợi ích chiến lược là chứng minh cho các bên thứ ba thấy rằng Mỹ không phải là quốc gia tìm kiếm sự đối đầu toàn diện. Đồng thời, làm như vậy sẽ giúp xua tan lo ngại về một viễn cảnh mà trong đó hai siêu cường chia cắt thế giới giữa họ, những lo ngại này luôn âm ỉ chứ chưa bao giờ biến mất.

Việc ưu tiên các sáng kiến đa phương cũng sẽ buộc Trung Quốc đối mặt với khả năng phải trả giá về mặt ngoại giao với nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng Mỹ, nếu nước này tính tới việc rút lui khỏi một thỏa thuận. Điều này cũng sẽ khiến Washington và Bắc Kinh không phải trả giá đắt về mặt chính trị ở trong nước nếu tìm cách hợp tác cùng nhau ngay từ đầu.

Cuối cùng, các sáng kiến an ninh nhằm giảm thiểu rủi ro và cải thiện khả năng xử lý khủng hoảng được coi là một ngoại lệ, và vẫn nên được các nước theo đuổi theo cách song phương. Tuy nhiên, chương trình nghị sự này cũng phải đối mặt với những thách thức trong quá trình triển khai sâu rộng trên thực tế, đáng chú ý nhất là sự thiếu quan tâm rõ ràng ở Bắc Kinh.

Mặc dù đã bị suy giảm nhiều, song hợp tác và phối hợp vẫn có thể đóng một vai trò nào đó trong quan hệ Mỹ-Trung, với điều kiện các nhà hoạch định chính sách theo đuổi điều này với một tư duy đúng đắn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục