Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay tại thủ đô của Italy đã ghi nhận những tín hiệu lạc quan về sự phục hưng của chủ nghĩa đa phương.
Đây là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G20 sau 2 năm bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.
Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc song phương bên lề, nhưng không kém phần quan trọng so với những phiên thảo luận chung của hội nghị.
[Lãnh đạo G20 đối mặt với các cuộc thảo luận khó khăn về khí hậu]
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự diễn đàn G20 kể từ khi nhậm chức.
Quan điểm tương đồng giữa Tổng thống Biden với đa số các lãnh đạo G20 ủng hộ sự hợp tác đa phương, hội nhập quốc tế được xem là một yếu tố quan trọng, thúc đẩy sự đồng thuận, thống nhất lập trường giữa các nước.
Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Mario Draghi khẳng định chủ nghĩa đa phương là cách thức phản ứng “tối ưu và khả thi duy nhất” trước những thách thức toàn cầu hiện nay.
Tại hội nghị, một số quốc gia, trong đó có Đức, Canada cam kết sẽ đẩy mạnh viện trợ vaccine ngừa COVID-19 cho nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, hội nghị ghi nhận quyết tâm và nỗ lực phối hợp của các thành viên G20 nhằm đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C vào giữa thế kỷ thông qua những “hành động động ý nghĩa và thiết thực.”
Đặc biệt, hội nghị đã đạt bước tiến “lịch sử” trên mặt trận kinh tế khi thúc đẩy thành công các nước tán thành việc áp dụng mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty đa quốc gia.
Đây vốn là bước cải cách được khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2017 và được thúc đẩy thông qua sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Biden.
Một số chủ đề khác liên quan vấn đề giải quyết an ninh khu vực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy bình đẳng giới… cũng được lãnh đạo các nước G20 tập trung thảo luận và kêu gọi hợp tác trong thời gian tới.
Những mục tiêu đầy tham vọng đã được nhất trí tại hội nghị, song cần phải được hiện thực hóa bằng những chính sách, hành động cụ thể của mỗi nước và của cộng đồng quốc tế.
Sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, thể chế quốc tế đã mang đến những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Italy đã rất nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác đa phương trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên G20 nhằm hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững cho toàn nhân loại./.