Hội nghị G20: Các nước lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu

các quan chức tài chính hàng đầu của Nhóm G20 thống nhất cho rằng nền kinh tế thế giới tiếp tục cải thiện, song các nước cần chú ý và theo dõi chặt chẽ những chuyển động của thị trường tài chính.
Hội nghị G20: Các nước lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu ảnh 1Toàn cảnh lễ khai mạc hội nghị bộ trưởng tài chính G20. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế thế giới tiếp tục cải thiện, song các nước cần chú ý và theo dõi chặt chẽ những chuyển động của thị trường tài chính, vốn vẫn đang còn nhiều biến động kể từ tháng 2 vừa qua, thời điểm chứng khoán toàn cầu lao dốc.

Nhận định trên được các quan chức tài chính hàng đầu đưa ra trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) trong các ngày 19 - 20/3.

Tại cuộc họp, lãnh đạo bộ tài chính và ngân hàng trung ương G20 đã nhất trí củng cố và tăng cường hợp tác toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua cải cách cơ cấu dài hạn, bao gồm nỗ lực thu hẹp cách biệt về điều kiện sống của người dân.

[Khai mạc hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 tại Argentina]

Trong bối cảnh gia tăng những lo ngại liên quan đến chính sách thuế mới của Mỹ đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, các quan chức đã bày tỏ quan ngại về những nguy cơ từ các chính sách bảo hộ, đồng thời cam kết thúc đẩy thương mại tự do. Ngoài ra, các quan chức G20 cũng kêu gọi tăng cường các biện pháp để kiểm soát tiền ảo và bảo vệ những người sở hữu các đồng tiền này.

Bên cạnh đó, các quan chức G20 cũng cảnh báo về những hệ lụy đối với tăng trưởng kinh tế thế giới nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra, trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ công bố mức thuế mới đối với các mặt hàng công nghệ và hàng tiêu dùng của Trung Quốc có giá trị xuất khẩu 60 tỷ USD/năm sang Mỹ trong tuần này. Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin đã thẳng thừng tuyên bố rằng Washington không thể hy sinh các lợi ích quốc gia vì hệ thống thương mại tự do.

Trao đổi với báo giới sau ngày làm việc đầu tiên, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici nhấn mạnh những chính sách theo xu hướng bảo hộ có nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Minoru Kihara cho biết đường hướng và các thông tin cụ thể nhằm chống chủ nghĩa bảo hộ dự kiến sẽ được đưa ra trong tuyên bố chung.

Dự kiến trong ngày làm việc cuối cùng, các quan chức tài chính G20 sẽ thảo luận về các biện pháp bảo vệ thương mại tự do và thành lập quy chế của các thị trường tiền điện tử.

Đây là hội nghị đầu tiên của G20 kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế nhập khẩu cao đối với các mặt hàng thép và nhôm, kéo theo phản ứng dữ dội của nhiều nước trên thế giới. Hội nghị quy tụ 22 bộ trưởng tài chính, 17 thống đốc ngân hàng trung ương và 10 chủ tịch các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục