Sau 3 ngày làm việc, chiều 19/10, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị thường niên Tổ chức Hành chính miền Đông thế giới-EROPA 2023 đã hoàn thành xuất sắc các nội dung chương trình đề ra.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết Hội nghị đã thu hút sự tham gia của 150 nhà khoa học, đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Qua 4 phiên Hội nghị toàn thể và 4 phiên tiểu chủ đề, Hội nghị đã được nghe nhiều tham luận, ý kiến của các học giả bàn về nhiều chiều cạnh khác nhau của quản trị công gắn với Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Các tham luận đã phân tích, làm rõ vai trò quan trọng của quản trị công trước Mục tiêu Phát triển Bền vững. Bối cảnh thế giới sau COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia, trong đó có vấn đề về an ninh lương thực, lao động việc làm…
Các nghiên cứu của các diễn giả đã làm rõ sự cần thiết phải có những chính sách đột phá, làm cơ sở cho mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế. Sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia sẽ là thước đo cho hiệu quả của nền quản trị công.
Một số bài viết đã đặt ra vấn đề tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, khu vực nhằm chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu. Quản trị công trong bối cảnh mới không thể thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các quốc gia, các nhà nước.
Hội nghị đã phân tích, làm rõ các vấn đề thực tiễn trong quản trị công nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội gắn với mỗi quốc gia, trong đó có những chia sẻ, đánh giá về thực tiễn phát triển trên các lĩnh vực về kinh tế-xã hội, thể hiện rõ vai trò của bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trước yêu cầu phát triển bền vững.
Đặc biệt, các nhà khoa học không chỉ đề cập đến quản trị công với vai trò của nhà nước mà còn đề cập đến sự tham gia của nhiều chủ thể khác, đến từ khu vực tư.
Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các nhà khoa học và các chuyên gia đã phân tích, luận giải nhiều chiều, xung quanh vấn đề quản trị công hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững. Đây sẽ là những khuyến nghị chính sách có giá trị tham khảo cho Việt Nam.
[Đổi mới quản trị địa phương hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững]
Để xây dựng năng lực quản trị công, các nhà khoa học đã đề xuất nhiều giải pháp khác nhau, trong đó đặc biệt đề cao yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản trị công.
Một nền công vụ hiện đại, hiệu quả cần phải có một đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của nền quản trị số với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nguồn nhân lực đó không chỉ có năng lực, trình độ, tầm nhìn chiến lược, mà còn phải có một tinh thần thái độ nghiêm túc, có trách nhiệm cao trong công việc.
Thực tiễn các nền công vụ của các quốc gia đã cho thấy, có một đội ngũ nguồn nhân lực khu vực công có chất lượng cao, sẽ có một nền quản trị hiệu lực, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng EROPA 2023 diễn ra trong giai đoạn thế giới đang đối mặt với không ít những thách thức về phát triển bền vững.
Chính vì vậy, việc đặt vấn đề về vai trò của quản trị công với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trở thành chủ đề chính của Hội nghị đã cho thấy vai trò, trách nhiệm của EROPA trước các vấn đề của khu vực và toàn cầu. Những gợi mở trong các nghiên cứu sẽ là những giá trị tham khảo quý báu cho Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Đánh giá Hội nghị EROPA năm 2023 thực sự là diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa thiết thực để đông đảo học giả, nhà khoa học uy tín chia sẻ về các vấn đề của quản trị công, đề xuất các định hướng, chiến lược, giải pháp chính sách để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững đối với các quốc gia, EROPA luôn là địa chỉ tin cậy, là cầu nối để các quốc gia thành viên trao đổi, chia sẻ và tiếp cận kịp thời những thông tin hữu ích, thiết thực phục vụ tiến trình đổi mới quản trị công.
Hội nghị góp phần thắt chặt hơn nữa các hoạt động hợp tác, liên kết trong quản trị công giữa các nước trong khu vực hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Theo Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Bá Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành EROPA, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị, các đại biểu đến từ nhiều quốc gia với các mức độ phát triển kinh tế-xã hội khá đa dạng, đến từ các nền công vụ với những nét đặc thù mang dấu ấn của các giá trị văn hóa dân tộc và lịch sử chính thể. Tuy nhiên, họ có chung một niềm tin vào quản trị công là chìa khóa khóa thành công của mỗi quốc gia.
Hội nghị đã chia sẻ kinh nghiệm và xác định các chiến lược để xây dựng năng lực quản trị công hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững; nhất trí tăng cường hợp tác và nỗ lực để thúc đẩy vai trò của EROPA trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững trên bình diện quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Trong phiên làm việc, Phiên họp thứ hai của Đại hội đồng EROPA lần thứ 29 đã diễn ra, thông qua các chương trình nghị sự của Hội đồng; trao Giải thưởng Carlos P Ramos cho bài viết hay nhất của Hội nghị; Giải thưởng dành cho các tác giả nữ; trao tặng Bằng ghi nhận đóng góp cho công tác tổ chức Hội nghị EROPA 2023.
Điểm lại các hoạt động của Hội nghị, Tiến sỹ Kristoffer Berse, Trường Hành chính và Quản trị Quốc gia Philippines, Phó Tổng Thư ký EROPA cho biết, Hội nghị đã nghe thảo luận của các diễn giả trong các phiên toàn thể và 84 diễn giả chia sẻ về kết quả nghiên cứu trong các phiên thảo luận song song tiểu chủ đề về phục hồi kinh tế xã hội, cải tổ quản trị công, xây dựng năng lực hành chính công, quản trị công để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Tổng Thư ký EROPA Alex Brilliantes Jr., Ban Tổ chức Hội nghị đã nhận được hơn 200 bài viết dự tranh giải, trong đó có 19 bài viết chuyên đề.
Các Ủy ban có liên quan của EROPA đã chọn ra 8 bài viết hay nhất và lựa chọn ba bài để trao Giải thưởng Carlos P Ramos./.