Đối ngoại Việt Nam tiếp tục góp phần nâng tầm vị thế quốc gia

Hội nghị đối ngoại 2021: Đối ngoại Việt Nam nâng tầm vị thế quốc gia

Đại hội Đảng XIII xác định xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân để tiếp tục nâng tầm vị thế quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp (4/11/2021). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; và ngày nay góp phần to lớn nâng cao vị thế đất nước.

Thực hiện đúng phương châm “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra ngay từ những ngày đầu lập nước, Việt Nam ngày nay đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”

Vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đối ngoại Việt Nam đã đi tiên phong bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, kháng chiến cứu quốc. Trong đó, nổi bật nhất là đã tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Paris năm 1973, tạo tiền đề có tính chiến lược, tiên quyết để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào giai đoạn tái thiết khôi phục đất nước (1975-1986), mặt trận đối ngoại đã có đóng góp lớn vào công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh và đấu tranh phá thế bao vây cấm vận.

Tháng 9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc. Tiếp đó là những nỗ lực rất lớn để bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và các nước trong khu vực.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Dato Ajit Singh (ngoài cùng bên phải) chào mừng Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 7 của ASEAN (28/7/1995). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)

Đại hội Đảng lần thứ VI là thời điểm lịch sử, mở ra một giai đoạn mới, với đường lối đối ngoại "rộng mở," nhiệm vụ hàng đầu là "tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc."

Ngày nay, trong tiến trình hội nhập quốc tế, Ngoại giao Việt Nam có sứ mệnh mới, góp phần quan trọng tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đồng thời linh hoạt, sáng tạo tìm ra phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế và gia tăng thế lực cho đất nước.

Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thuộc tất cả các châu lục, trong đó, có 17 đối tác chiến lược (3 đối tác chiến lược toàn diện), 13 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ.

[Ngành Ngoại giao - lực lượng xung kích trên mặt trận đối ngoại]

Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả cả nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việt Nam đã tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đã có 71 nước công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Đối ngoại cũng đã góp phần hiệu quả vào bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Việt Nam đã xây dựng đường biên giới trên bộ hòa bình, hữu nghị và phát triển với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Trước những phức tạp ở Biển Đông, Việt Nam đã đánh giá đúng tình hình, đấu tranh, xử lý kịp thời, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ tiếp nhận tượng trưng 1,05 triệu liều vaccine Abdala của Cuba. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Không chỉ trở thành lực lượng đi trước mở đường trong từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, công tác đối ngoại còn góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, an toàn sức khỏe cho nhân dân, thể hiện rõ nét trong suốt thời gian diễn ra dịch COVID-19 vừa qua.

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, ngành Ngoại giao đã tiên phong cùng các Bộ, ngành đẩy mạnh “ngoại giao y tế,” “ngoại giao vaccine,” tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của cộng đồng quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân Việt Nam đã được triển khai kịp thời; hỗ trợ hiệu quả kiều bào ta ở nước ngoài vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nâng tầm vị thế quốc gia

Với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách.

Việt Nam là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong ASEAN và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc. Việt Nam đã, đang đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã thay mặt các nước ASEAN giới thiệu Nghị quyết về hợp tác ASEAN-LHQ do Việt Nam thay mặt ASEAN chủ trì đề xuất. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam cũng thể hiện xuất sắc cương vị nước chủ nhà của nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) lần thứ 7 năm 1997, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 5 năm 2005, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006 và 2017, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) năm 2015, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018 và tổ chức thành công Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 năm 2019.

Đặc biệt, sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua đường lối đối ngoại giai đoạn mới, Việt Nam đã nhận được nhiều tin vui. Bên cạnh việc tiếp tục đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã trúng cử, chỉ định, tham gia rất nhiều cơ chế, diễn đàn của Liên hợp quốc.

Điển hình là Việt Nam tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, được bầu vào Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới.

Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam ngày càng rộng mở, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trong nước. Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế thông qua việc ký các hiệp định thương mại tự do, qua đó tạo ra những động lực to lớn cho phát triển.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam nằm trong số 20 nền kinh tế có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu năm 2019. Dù dịch COVID-19 đang gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2020 Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Hội nhập quốc tế về chính trị-an ninh-quốc phòng, xã hội-văn hóa và các lĩnh vực khác ngày càng sâu sắc.

Đây thực sự là những dấu ấn hết sức quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại những nguồn lực, là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong nước giai đoạn mới.

Cùng với đó, đem lại cơ hội thúc đẩy mối quan hệ song phương của Việt Nam với các nước có vai trò chủ chốt trên thế giới cũng như trong khu vực, đóng góp vào hòa bình, phát triển chung của nhân loại.

Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa

Có thể thấy, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng thay đổi vị thế của đất nước và từng bước làm rạng danh Tổ quốc. Trong các bài phát biểu quan trọng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.”

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), ngày 1/11/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, để có thể "nhìn trước” những tiềm năng và thách thức, cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đặt ra, Đại hội Đảng XIII xác định các nhiệm vụ đối ngoại thời gian tới gồm:

Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín đất nước.

Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi"; nhấn mạnh đây là mục tiêu tối thượng, xuyên suốt, bất biến.
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia.

Tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại song phương đi vào chiều sâu, tạo thế đan xen lợi ích, "tăng độ tin cậy"; đối ngoại đa phương "chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị, kinh tế quốc tế."

Đối ngoại cùng quốc phòng, an ninh và cả hệ thống chính trị phối hợp, đóng góp vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa; tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Củng cố đường biên giới hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng.

Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội sở tại. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh… Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia-dân tộc, có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phối hợp thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ ba trụ cột đối ngoại, các cơ quan, lực lượng đối ngoại nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các kênh và các cơ quan đối ngoại, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế./.

Lễ ký Hiệp định Việt Nam-Trung Quốc trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt từ ngày 5-10/11/1991, dấu mốc của việc chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. (Ảnh: TTXVN)
Lễ đón Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức Vương quốc Anh được tổ chức trọng thể theo nghi thức Nhà nước tại Thủ đô London, ngày 5/7/1993. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)
Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân duyệt đội danh dự tại Lễ đón ở Đại Lễ đường nhân dân, thủ đô Bắc Kinh, ngày 9/11/1993, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc từ 9-15/11/1993. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama và Tổng Bí thư Đỗ Mười trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ 18-19/4/1995. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)
Đêm 11/7/1995 (giờ Mỹ), Tổng thống Hoa Kỳ William Jefferson Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. (Ảnh: The White House/TTXVN phát)
Nghi thức thượng cờ tại Lễ kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức thứ bảy của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiều 28/7/1995, tại Thủ đô Bandar Seri Begawan (Brunei). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Dato Ajit Singh (ngoài cùng bên phải) chào mừng Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 7 của ASEAN (28/7/1995). (Ảnh: Trần Sơn/TTXVN)
Ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk và Hoàng hậu tiếp Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Phu nhân thăm chính thức Campuchia, ngày 8/8/1995, tại Phnom Penh. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Sáng 19/9/1995, Lễ kết nạp Quốc hội Việt Nam vào Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO) và Lễ ký văn kiện chính thức xác nhận Quốc hội Việt Nam là thành viên AIPO được tổ chức tại phiên khai mạc kỳ họp AIPO-16 ở Singapore. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Nhân dịp tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hợp quốc (1945-1995), chiều 25/10/1995, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Boutros B. Ghali. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Việt Nam gia nhập Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu, được chính thức thành lập vào năm 1996 trong hội nghị cấp cao đầu tiên tại Bangkok (1-2/3/1996). (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đón Tổng thống Pháp Jacques Chirac thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội, từ ngày 12-16/11/1997. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Ngày 14/11/1998, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). (Ảnh: Thế Thuần/TTXVN)
Tháng 12/1998, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị ASEAN lần thứ VI. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một hội nghị của Hiệp hội kể từ khi gia nhập. (Ảnh: Thế Thuần/TTXVN)
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu hội kiến đồng chí Hồ Cẩm Đào, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, tại Thủ đô Bắc Kinh, ngày 26/2/1999 trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và đồng chí Khamtai Siphandon, Chủ tịch BCH Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào tại Phủ Chủ tịch, trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 4/1/1999. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Fidel Castro sau lễ ký Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba, tại Thủ đô La Habana, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba từ 7-14/7/1999. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)
Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ, bà Charlene Barshefsky ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 13/7/2000, tại Thủ đô Washington D.C, kết thúc 4 năm đàm phán liên tục. (Ảnh: Lê Chi/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đức Lương đọc diễn văn tại Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, tại thành phố New York, Mỹ (6/9/2000). (Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì Lễ đón Tổng thống Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-19/11/2000. Ông Bill Clinton là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tới Việt Nam, 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc. (Ảnh: Trọng Nghiệp/TTXVN)
Thủ tướng Đức Gerhard Schröder đón Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức, tháng 10/2001. (Ảnh: Thế Thuần/TTXVN)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Koizumi trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, tháng 10/2002. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Đức Gerhard Schröder trả lời báo chí nhân chuyến thăm chính thức CHLB Đức, tháng 3/2004. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đức Lương hội đàm với Tổng thống Pháp Jacques Chirac, ngày 6/10/2004, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5), tháng 10/2004. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm vóc quốc tế lớn, trong đó có tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5), ngày 8-9/10/2004 tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Tổng thống Jacques Chirac đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Cộng hòa Pháp, ngày 7/6/2005, tại Điện Elysee ở Thủ đô Paris. (Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN)
Cái bắt tay lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng, ngày 21/6/2005, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 19-25/6/2005, đánh dấu sự phát triển mới trong quan hệ song phương sau 10 năm bình thường hoá. Đây cũng là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh. (Ảnh: AP/TTXVN phát)
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng lãnh đạo cấp cao ASEAN tham dự Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur về xây dựng Hiến chương ASEAN, ngày 12/12/2005, tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 7/11/2006, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển và Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy ký Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush chơi đàn bầu - nhạc cụ truyền thống của Việt Nam trong bữa tiệc chiêu đãi do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 17-20/11/2006. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Với việc gia nhập ASEAN, rõ ràng lòng tin của Việt Nam với các nước và ngược lại lòng tin của các nước đối với Việt Nam đã được nâng lên. ảnh: Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện tầm vóc quốc tế lớn, trong đo có tổ chức thành công APEC 2006 (18-19/11/2006) tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm gia đình nông dân làm kinh tế giỏi ở thị trấn Đoàn kết, quận Tây Sơn, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Quốc từ ngày 15-18/5/2007. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội đàm với Tổng thống George W.Bush tại Nhà Trắng, ngày 22/6/2007, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 18-23/6/2007. Chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đến Hoa Kỳ kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Ngày 27/10/2008, tại Điện Kremlin, Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev hội kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Liên bang Nga. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Việt Nam đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEAN XVI và XVII tại thủ đô Hà Nội (10/2010). Đây là năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và kỷ niệm 15 năm gia nhập. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Liên bang Nga, ngày 27/7/2012, tại thành phố Sochi. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Thủ tướng David Cameron đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Anh, ngày 22/1/2013, tại số 10 phố Downing ở Thủ đô London. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ngày 25/7/2013, Tổng thống Barack Obama hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington D.C. Hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 25/11/2014, tại Sochi. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì Lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15-18/9/2015. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Benigno Aquino III chứng kiến Lễ ký thỏa thuận thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Philippines. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Barack Obama, ngày 7/7/2015, tại Washington D.C trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6-10/7/2015. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ của người lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, đánh một dấu mốc quan trọng mới, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015, tầm nhìn 2015, ngày 22/11/2015, tại Kuala Lumpur (Malaysia). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Lễ đón Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thăm cấp Nhà nước Việt Nam (23/5/2016). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại khóa họp thứ 32 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ngày 13/6/2016, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Quang Hải/TTXVN)
Tổng thống Donald Trump đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington D.C, ngày 31/5/2017, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 29-31/5/2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Lần thứ hai Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo APEC (Đà Nẵng, 11/2018). (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/11/2017. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước tham gia chính thức ký kết vào đầu tháng 3/2018, trong đó, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực tham gia đàm phán và ký kết. (Ảnh: THX/TTXVN phát)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Emmanuel Macron, chiều 27/3/2018 tại Phủ Tổng thống ở Thủ đô Paris trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ 25-27/3/2018. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ nhân dân và học sinh Cuba tại Tượng đài Hồ Chí Minh ở La Habana, trong chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Cuba, chiều 28/3/2018. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Raul Castro Ruz ra sân bay tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rời thành phố Santiago de Cuba, kết thúc chuyến thăm cấp Nhà nước Cuba (30/3/2018). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Ba thủ tướng thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp tác 3 nước sau khi ký kết Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao hợp tác Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) lần thứ 10. (Ảnh: TTXVN)
Lễ đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều và thăm cấp Nhà nước Việt Nam (2/2019). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Sáng 27/2/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp và hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được ký kết tại Hà Nội, ngày 30/6/2019, mở cánh cửa lớn cho Việt Nam 'vươn ra biển lớn.' (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Lật Chiến Thư đón và hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Trung Quốc (11/7/2019). (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức Lào (24/2/2019). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Quốc vương Norodom Sihamoni chủ trì Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia (25/2/2019). (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 chào tạm biệt người thân và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 21/1/2020, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1/2020, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về tình hình Palestine-Israel. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)
Phiên toàn thể thứ nhất Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) tại Hà Nội, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chứng kiến Lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), sáng 15/11/2020, tại Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (28/6/2021). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5, sáng 7/9/2021, tại Thủ đô Vienna (Áo). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ Hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Bỉ Elliance Tillieux, chiều 9/9/2021, tại Brussels. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Sanna Marin trong chuyến thăm chính thức Phần Lan (10/9/2021). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), ngày 1/11/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Emmanuel Macron trong chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp (4/11/2021). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Thụy Sỹ từ ngày 25-29/11/2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga (30/11/2021). (Ảnh: TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục