Ngày 6/11, tại thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Tổng cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc, tổ chức khai mạc Hội nghị Di sản văn hóa phi vật thể tại châu Á-Thái Bình Dương 2018.
Hội nghị có chủ đề “Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển cộng đồng bền vững."
Đây là hội nghị thứ hai sau hội nghị được tổ chức tại Jeonju (Hàn Quốc) vào tháng 11/2016. Tham dự hội nghị lần này có đại diện 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đến từ 16 quốc gia.
Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường trao đổi và hiểu rõ hơn mối quan hệ qua lại giữa di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững, nhằm trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ tham gia bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực.
[Trình UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn: "Đòn bẩy" du lịch]
Các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về dự án liên quan đến vai trò và tiềm năng của các các tổ chức phi chính phủ để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; giáo dục di sản văn hóa phi vật thể để phát triển bền vững; phát triển toàn diện các thành phố và cộng đồng thông qua việc tuyên truyền về di sản văn hóa phi vật thể; đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường mạng lưới các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ hiệu quả vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực.
Hội nghị còn có phiên đặc biệt về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam. Các tham luận đưa ra bài học về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (15 năm Công ước UNESCO 2003) với mô hình tiêu biểu "sức sống của Nhã nhạc sau 15 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại".
Phát biểu tại hội nghị, ông Kwon Huh, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết hội nghị lần này là nền tảng để khởi xướng, mở rộng hoặc trao quyền cho mạng lưới các tổ chức phi chính phủ tham gia vào việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"Thông qua hội nghị này, chúng tôi muốn hướng đến việc xem xét công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần vào thành tựu của sự phát triển bền vững cộng đồng thông qua quan điểm của các tổ chức phi chính phủ," ông Kwon Huh nói.
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Việt Nam là một trong 30 nước đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003.
Việt Nam hiện có 62.283 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 271 di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại các danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Việc các di sản được đưa vào danh mục quốc gia, quốc tế đã tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hóa các hoạt dộng bảo tồn di sản văn hóa.
Ngoài những đóng góp của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về di sản văn hóa trong nước, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài cả về cách tiếp cận, kinh nghiệm, phương pháp và nguồn lực nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh Cố đô Huế là địa phương có đến 5 di sản mang tầm thế giới và điều đáng nói là cả 5 di sản đó đều thuộc về triều Nguyễn.
Với lợi thế đó, Cố đô Huế xứng đáng được mệnh danh là vùng đất của di sản. Hội nghị này được tổ chức, sẽ giúp Cố đô Huế có những đánh giá chính xác, khách quan, từ đó đưa ra các chính sách và hướng phát triển bền vững cho các di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian tới, trong đó có Nhã nhạc.
Đây cũng là cơ hội để Thừa Thiên-Huế mở rộng hợp tác, quảng bá, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và vật thể của Huế, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững di sản văn hóa và du lịch./.