Chiều 26/3, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Lưu trữ điện tử cần có lộ trình
Dự thảo Luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ.
Về lưu trữ tài liệu điện tử, một số ý kiến đề nghị quy định lộ trình thực hiện lưu trữ điện tử phù hợp với khả năng nguồn lực và lồng ghép nội dung lưu trữ điện tử vào các quy định có liên quan.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ số là yêu cầu khách quan, cần thiết để xây dựng Chính phủ số, xã hội số.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế công tác lưu trữ (hiện vẫn chủ yếu là lưu trữ tài liệu giấy), nhất là khả năng đáp ứng của nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng quy định việc lưu trữ tài liệu giấy song song với lưu trữ tài liệu số và việc chuyển đổi từ lưu trữ tài liệu giấy sang lưu trữ tài liệu số được thực hiện theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và định hướng Chính phủ số, chính quyền số.
Theo đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang), việc sửa đổi luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu thời đại chuyển đổi số và xây dựng một xã hội hiện đại, xã hội công nghệ điện tử.
Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, có ý kiến đề nghị quy định tài liệu lưu trữ ở cấp xã là nguồn nộp lưu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng. Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương cho thấy, khối lượng hồ sơ, tài liệu được lưu trữ tại cấp xã rất lớn, chủ yếu là tài liệu chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành thuộc lĩnh vực hộ tịch, đất đai và tài liệu hình thành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, bao gồm cả tài liệu lưu trữ vĩnh viễn đã hết giá trị hiện hành.
Trong khi đó, nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho công tác lưu trữ tại cấp xã còn hạn chế dẫn đến việc lưu trữ tại nhiều địa phương không bảo đảm, tài liệu bị hư hỏng, thất thoát.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo quy định tài liệu lưu trữ vĩnh viễn của cấp xã thuộc nguồn nộp vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh (khoản 4 Điều 10 của dự thảo Luật).
Không gây chồng chéo với Luật Di sản văn hóa
Liên quan đến quy định về quản lý, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tài liệu lưu trữ là đối tượng điều chỉnh của Luật Lưu trữ nên việc thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ, trong đó có hoạt động bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ phải tuân thủ quy định của Luật Lưu trữ; trường hợp tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia thì ngoài việc thực hiện theo quy định của Luật Lưu trữ, còn phải tuân thủ quy định của Luật Di sản Văn hóa.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 30, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung khoản 5 vào Điều 38 của dự thảo luật với nội dung “Tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quản lý, sử dụng và phát huy giá trị theo quy định của Luật này; trường hợp được công nhận, ghi danh là bảo vật quốc gia hoặc danh hiệu khác theo quy định của Luật Di sản văn hóa thì còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa.”
Với quy định này, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, có thể hiểu việc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản, tài liệu lưu trữ đặc biệt là bảo vật quốc gia được thực hiện theo cả Luật Lưu trữ và Luật Di sản văn hóa là chưa tường minh và có thể chồng chéo, không thống nhất, gây vướng mắc trong thực hiện.
Do vậy, để đồng bộ, thống nhất trong áp dụng pháp luật, đại biểu đề nghị rà soát và quy định rõ hơn về thẩm quyền quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là bảo vật quốc gia; quy định rõ hơn khi nào, với nội dung, biện pháp nào thì áp dụng cả hai luật, khi nào chỉ áp dụng quy định Luật Di sản văn hóa, không áp dụng Luật Lưu trữ./.
Đưa di sản số trở thành khái niệm chính thức trong Luật Di sản Văn hóa
Theo các chuyên gia, khi Việt Nam đang hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa thì khái niệm di sản số cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi).