Hội nghị đặc biệt về bạo loạn tại Cộng hòa Trung Phi

Tìm kiếm giải pháp cho tình hình bạo lực sắc tộc tại Cộng hòa Trung Phi là trọng tâm Hội nghị của Cộng đồng Kinh tế các nước Trung Phi.

Tìm kiếm giải pháp cho tình hình bạo lực sắc tộc, thúc đẩy tái thiết hòa bình và an ninh tại Cộng hòa Trung Phi, đất nước đang bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực tôn giáo giữa tín đồi Hồi giáo và Thiên chúa giáo, là trọng tâm chính hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của Cộng đồng Kinh tế các nước Trung Phi (ECCAS), khai mạc ngày 9/1 tại thủ đô Ndjamena của Cộng hòa Chad.

Hội nghị do Tổng thống Chad Idriss Deby, người đang giữ chức Chủ tịch ECCAS, khởi xướng với sự tham dự của Tổng thống lâm thời Cộng hòa Trung Phi Michel Djotodia, lãnh đạo các nước thành viên ECCAS cùng đại diện của các phái đoàn tiểu vùng, Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký ECCAS Ahmat Allami bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực tồi tệ tại Trung Phi trong thời gian qua, cho thấy sự bất lực của chính quyền quá độ trong việc chấm dứt các vụ bạo lực tôn giáo. Theo ông, chính quyền hiện nay nên từ chức nếu không thể nhanh chóng ổn định tình hình an ninh trong nước.

Chính khách này đồng thời nhấn mạnh các phe phái tại Trung Phi cần tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ECCAS, hỗ trợ tìm giải pháp thỏa đáng và tham gia tiến trình xây dựng hòa bình ở quốc gia này, thay vì chỉ tìm cách "đổ thêm dầu vào lửa" như hiện nay.

Tổng Thư ký Allami nêu rõ vấn đề mấu chốt là khôi phục hòa bình và an ninh tại Trung Phi, chứ không phải là thay đổi chính thể.

Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình France 2, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng nhà lãnh đạo các nước khu vực Trung Phi cần có quyết định về tương lai của chính quyền tạm quyền tại Cộng hòa Trung Phi do Tổng thống Michel Djotodia đứng đầu. Hiện quân đội Pháp đã triển khai 1.600 quân, bên cạnh 2.500 quân của AU, nhằm lập lại an ninh tại Cộng hòa Trung Phi.

Cộng hòa Trung Phi rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng Ba năm ngoái và đưa Djotadia lên làm Tổng thống lâm thời. Mặc dù đã chính thức giải tán quân nổi dậy song ông Djotadia vẫn không thể ngăn chặn các vụ bạo loạn do nhóm này gây ra. Khoảng 1/10 dân số Trung Phi đã phải trốn chạy khỏi đất nước do các vụ bạo lực phe phái.

Tính riêng trong tháng 12 vừa qua, tình trạnh bạo lực đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người bị thiệt mạng và khiến gần 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

ECCAS được thành lập từ năm 1983 với mục đích thúc hội nhập khu vực tại Trung Phi. Hiện tổ chức này có 10 nước thành viên gồm Angola, Burundi, Cameroon, Gabon, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Congo, Sao Tome và Principe, Chad, Cộng hòa Trung Phi và Guinea Xích đạo./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục