Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu và bài toán tài chính

Les Echos dẫn ra con số “khoảng 100.000 tỷ USD là khoản tiền cần thiết để nền kinh tế toàn cầu chuyển được sang kinh tế xanh” trong vòng 30 năm tới.
Khói bốc lên tại nhà máy hóa dầu ở Etang de Berre, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng Reuters/RFI, báo chí Pháp như Le Figaro và La Croix đều tập trung vào cùng một vấn đề: khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm nóng Trái Đất tăng vọt trở lại, sau một năm sụt giảm do kinh tế toàn cầu bị đình trệ vì đại dịch COVID-19.

Tờ Le Figaro dẫn số liệu của Global Carbone Project cho biết lượng khí thải đã tăng trở lại 4,9%, sau mức sụt giảm kỷ lục 5,4% trong năm 2020. Le Figaro xoáy sâu vào sự bất ngờ của giới chuyên gia về mức độ tăng trở lại mạnh và nhanh hơn nhiều so với dự kiến.

Trước đây, giới chuyên gia cho rằng cần 1-2 năm để lượng dầu mỏ tiêu thụ trở lại mức trước đại dịch.

Nếu thế giới tiếp tục giữ nguyên mức khí thải hằng năm như hiện nay, thì chỉ trong 11 năm nữa, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thời hạn này chắc chắn sẽ không phải là 11 năm bởi hiện tại mức tăng trưởng của phần lớn các nền kinh tế vẫn tiếp tục tỷ lệ thuận với mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch. Nhiều nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc thậm chí còn đặt mục tiêu lượng khí thải sẽ chỉ đạt đỉnh vào năm 2030.

Bên cạnh đó, báo Le Croix cũng dẫn số liệu của Global Carbone Project, và cho rằng khả năng thực thi mục tiêu giữ nhiệt độ Trái Đất không quá 1,5 độ C hay thậm chí 2 độ C là hoàn toàn “nằm ngoài tầm tay.”

Để “trung hòa khí thải vào năm 2050” - như câu “thần chú” mới được xướng lên tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) - theo ước tính sơ bộ, thế giới phải cắt giảm 1,4 tỷ tấn khí thải carbon dioxide (CO2)/năm, bằng 3/4 của mức 1,9 tỷ tấn khí thải sụt giảm năm 2020 do đại dịch. Năm 2020, thế giới đã gần như ngừng hoạt động trong nhiều tháng. Làm thế nào để thực hiện được mục tiêu khó khăn này trong bối cảnh kinh tế hoạt động sôi sục trở lại?

Những hy vọng mong manh

Hy vọng được gửi gắm vào “sự tăng trưởng của các năng lượng tái tạo” ngay trong giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, tờ La Croix cho rằng thế giới phải đi nhanh hơn gấp bội trong lĩnh vực này.

Trong tình thế hiểm nghèo hiện nay, thế giới còn gì để hy vọng? Một đồng minh khác của cuộc chiến khí hậu là ưu tiên cắt giảm mạnh khí thải methane (CH4), loại khí gây hiệu ứng nhà kính gấp hàng chục lần so với CO2.

[Dự thảo tuyên bố chung của COP26: Kêu gọi loại bỏ dần than đá]

Theo Le Monde, nếu hơn 100 quốc gia thực hiện cam kết đưa ra ngày 2/11, điều này sẽ giúp giảm mức tăng nhiệt độ được gần 0,3 độ C từ nay đến năm 2040.

Theo giới chuyên gia, xét về mặt kỹ thuật cũng như tài chính, việc giảm mạnh khí methane không phải là điều khó. Quyết tâm của chính quyền các nước sẽ là yếu tố quyết định. Hơn 1/3 khí methane thải ra môi trường là do ngành công nghiệp dầu mỏ, nguyên nhân chính là rò rỉ khí.

Bảo vệ rừng là một biện pháp căn bản khác. Le Monde ghi nhận “những cam kết mỹ miều” tại COP26, khi các quốc gia sở hữu hơn 85% diện tích rừng trên thế giới cam kết chấm dứt phá rừng trước năm 2030. Nếu không hành động mạnh mẽ, kịp thời, thì khó có thể ngăn chặn nạn phá rừng kinh hoàng hiện nay.

Theo viện tư vấn Mỹ WRI, có khoảng 258.000km2 rừng (rộng hơn cả nước Anh) bị phá trong năm 2020. Song song với tuyên bố chống phá rừng, cũng tại COP26, 11 nước - trong đó có Pháp và Liên minh châu Âu (EU) - đã cam kết đầu tư 10,3 tỷ euro từ nay đến 2025 để chống phá rừng, cùng hơn 6 tỷ euro đầu tư của khu vực tư nhân.

Theo cựu báo cáo viên của Liên hợp quốc về quyền của các cộng đồng bản địa Victoria Tauli Corpuz, việc đầu tư nhiều cho các cộng đồng bản địa sống trong rừng để họ đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo tồn, chăm sóc các hệ sinh thái là sáng kiến “lần đầu tiên” được khẳng định trên quy mô toàn cầu. Các cộng đồng bản địa sẽ nhận được 1,4 tỷ euro, tức một phần quan trọng trong số tiền nói trên.

Cần 100.000 tỷ USD cho nền kinh tế xanh

Tuy nhiên, tất cả những sáng kiến trên chỉ là những mảnh ghép tuy quan trọng, nhưng vẫn còn hết sức nhỏ để có thể giúp kinh tế toàn cầu thực sự chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững. Ngày 4/11, nhật báo kinh tế Les Echos dành một phần lớn số báo cho chủ đề khí hậu.

Hình ảnh trên trang nhất Les Echos phản ánh đúng tình trạng hiện nay của thế giới, khi điện gió, cũng như các loại năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ giải thoát nhân loại khỏi các năng lượng hóa thạch, mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trên thực tế. Les Echos cũng dẫn ra con số “khoảng 100.000 tỷ USD là khoản tiền cần thiết để nền kinh tế toàn cầu chuyển được sang kinh tế xanh” trong vòng 30 năm tới.

“Tổng động viên” vì khí hậu

Thế giới sẽ lấy đâu ra 100.000 tỷ USD, trong khi từ 10 năm nay, các nước giàu chưa huy động nổi 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước đang phát triển?

Les Echos có bài “Giới tài chính thế giới khởi sự chiến dịch tổng động viên về khí hậu” giới thiệu lý do để hy vọng. Nhật báo kinh tế Pháp chú ý đến sáng kiến mới của giới lãnh đạo tài chính thế giới.

Ngày 3/11, sau lãnh đạo các nền kinh tế lớn, đến lượt 450 định chế tài chính (bao gồm các ngân hàng, nhà bảo hiểm, công ty quản lý tài sản) thuộc 45 quốc gia, quản lý các tài sản trị giá khoảng 130.000 tỷ USD, đã cam kết hướng đến mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, như mục tiêu mà nhiều nền kinh tế phát triển đề ra.

Báo trên cũng đề cập đến sáng kiến mang tên Glasgow Financial Alliance for Net Zero (GFANZ) theo ý tưởng của cựu thống đốc ngân hàng trung ương Anh Mark Carney, người bảo trợ của COP26, khởi động từ tháng 4/2021. Kể từ đó, tổng tài sản của các định chế tài chính tham gia đã tăng gần gấp đôi, từ 70.000 tỷ lên 130.000 tỷ USD. Theo cựu thống đốc ngân hàng Anh, “đây là một bước ngoặt quyết định.”

“Những lời hứa suông”

Tuy nhiên, theo Les Echos, nếu như con số nói trên “gây ấn tượng” cam kết hướng tới “trung hòa khí thải vào năm 2050” của liên minh GFANZ của giới chủ tài chính được đón nhận với “rất nhiều hoài nghi, ngay cả trong các định chế quốc tế” (cụ thể như Liên hợp quốc).

Les Echos dẫn lời bà Lucie Pinson, thuộc tổ chức phi chính phủ vì khí hậu Reclaim Finance, đánh giá đây là những “lời hứa suông”, đồng thời kêu gọi ngành tài chính cần thực thi việc cắt giảm cụ thể các khoản đầu tư cho dầu mỏ, khí đốt và than đá. Bất chấp các cam kết, chỉ riêng các định chế tài chính Pháp đã tăng đầu tư cho năng lượng hóa thạch từ 146 tỷ USD vào năm 2015 lên 174 tỷ USD vào năm 2020.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nhận định của bà Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết các nước dễ bị tổn thương không thể tìm ra giải pháp tài chính chi phí thấp khi phải đối mặt với cả đại dịch COVID-19 lẫn ảnh hưởng về khí hậu.

Bà nói: “Họ gặp khó khăn trên mọi phương diện… Đó là lý do vì sao việc tìm ra giải pháp tài chính mới cho các nước này là vô cùng quan trọng.”

Theo UNEP, chi phí ứng phó của các nước đang phát triển đang “tăng dần” so với khoảng ước tính ban đầu là 140-300 tỷ USD/năm tính đến năm 2030, trước khi tăng lên ngưỡng 280-500 tỷ USD/năm tính đến năm 2050.

Thế giới đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư thêm nhiều chính sách và biện pháp nhằm hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, khi chỉ có một phần nhỏ trong gói kích thích phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 trị giá 17.000 tỷ USD được gửi đến khu vực này.

Henry Neufeldt, nhà nghiên cứu lâu năm của UNEP, cho biết tăng nợ là “gánh nặng chung” đối với những nước có thu nhập thấp, đồng thời thúc giục các nền kinh tế phát triển có thêm nhiều biện pháp giãn nợ phù hợp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục