Hội nghị COP 24: Các nước quyết đạt đồng thuận về nhiệt độ Trái Đất

Hội nghị COP 24 dự kiến kết thúc ngày 14/12, song đã kéo dài hơn một chút để nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận của các nước về mục tiêu hạn chế phát thải, giữ mức tăng nhiệt độ của Trái Đất từ 1,5-2 độ C.
Toàn cảnh Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tại Katowice (Ba Lan) ngày 3/12/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với mục tiêu thúc đẩy thực hiện Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu theo những cách thực tế nhất, hạn chế phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, giữ mức tăng nhiệt độ của Trái Đất cho đến cuối thế kỷ 21 ở mức từ 1,5 đến 2 độ C, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) tại thành phố Katowice, Ba Lan, đã kéo dài hơn một chút so với kế hoạch nhằm nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận.

Đa số các nước thành viên đều tái khẳng định sự ủng hộ đối với báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC).

Hội nghị dự kiến kết thúc trong ngày 14/12, song đã kéo dài hơn do nảy sinh bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt liên quan tới cách diễn đạt trong báo cáo của IPCC, vạch ra những lý do cần phải giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở dưới ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp cũng như giảm lượng khí phát thải nhà kính.

Một bất đồng nữa là cách thức xác định mức độ hỗ trợ cho các nước đang chịu nhiều thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu. Dù vậy, đa số các nước thành viên đều khẳng định ủng hộ văn kiện này.

IPCC đã công bố một báo cáo đặc biệt về khả năng đạt được mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

[Biến đổi khí hậu: Lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng kỷ lục]

Ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ủy ban IPCC, tái khẳng định rằng mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ chỉ có thể đạt được nếu các chính phủ hành động khẩn cấp và trên phạm vi rộng lớn, bao trùm mọi lĩnh vực xã hội. Theo ông, báo cáo đã gửi đi một thông điệp hết sức rõ ràng và hiện là lúc các nước phải hành động.

Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas cảnh báo rằng mức phát thải khí nhà kính hiện nay là quá lớn, dẫn đến những tác động gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng trên toàn thế giới, từ sự tan băng ở các đầu cực đến những hình thái thời tiết cực đoan như cháy rừng, mưa lũ...trong năm nay.

Ông khẳng định: "Chúng tôi dự đoán lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu sẽ tăng 2-4% trong năm nay. Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ cần những số liệu khác."

Quan chức WMO cũng chỉ ra rằng ngay cả khi mức độ ô nhiễm không khí dừng lại ở mức hiện nay, lượng khí phát thải vẫn sẽ tồn tại trong khí quyển nhiều năm tới.

Hội nghị COP 24 diễn ra trong bối cảnh hàng loạt báo cáo mới nhất cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết và lượng khí thải carbon toàn cầu được dự báo tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.

Theo một báo cáo của Đại học East Anglia (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Dự án Carbon toàn cầu, lượng khí thải carbon toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ tăng hơn 2% so với năm 2017, lên 37,1 tỷ tấn CO2, chủ yếu do gia tăng sử dụng than, dầu và khí đốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục