Ngày 21/11 tại Yên Bái, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) tổ chức Hội nghị công tác tôn giáo vùng Tây Bắc năm 2013.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá thực trạng tình hình tôn giáo và việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác tôn giáo trong thời gian qua, chỉ đạo thực hiện một số vấn đề liên quan đến công tác tôn giáo, an ninh tôn giáo mang tính đặc thù vùng Tây Bắc gắn với giải pháp cụ thể trong những năm tiếp theo.
Thời gian qua, các địa phương trong vùng Tây Bắc đã đẩy mạng công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo.
Vận động nhân dân, trong đó có đồng bào theo tôn giáo chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo, các quy ước, hương ước của thôn bản, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Mặc dù không có nhiều tôn giáo như một số khu vực trong cả nước (tín đồ các tôn giáo ở Tây Bắc chiếm khoảng 6% tổng dân số trong vùng) song tình hình tôn giáo đang đặt ra nhiều vấn đề mới, nhất là trong công tác đối với đạo tin lành.
Đạo Tin lành là tôn giáo phát triển bình thường trong vùng, tuy nhiên, một số kẻ xấu đã lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Kết quả cho thấy, qua 7 năm triển khai chỉ thị 01/2005/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình đạo Tin lành của khu vực đã dần đi vào ổn định, di cư tự do giảm, đời sống kinh tế - văn hóa tín đồ từng bước được cải thiện, đoàn kết an ninh thôn bản giữa người theo đạo và không theo đạo, giữa chính quyền và điểm nhóm được củng cố, tăng cường.
Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo ở vùng Tây Bắc vẫn còn một số hạn chế như việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước còn chưa thường xuyên. Nhận thức, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác tôn giáo còn hạn chế dẫn đến việc tham mưu, quản lý các hoạt động tôn giáo còn nhiều bất cập.
Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước về một số công tác đối với đạo tin lành còn chưa thực sự thống nhất.
Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn vùng Tây Bắc có trên 20 đạo lạ (hay còn gọi là hiện tượng tôn giáo mới); trong đó một số tổ chức bất hợp pháp, đối tượng cầm đầu đã lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để tổ chức các hoạt động trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, mất an ninh trật tự tại địa phương.
Trong thời gian tới công tác tôn giáo vùng Tây Bắc sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.
Hoàn thiện bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, phân cấp công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cho chính quyền các cấp. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những đề nghị hợp pháp, nhu cầu chính đáng của các tín đồ, chức sắc tôn giáo.
Phát huy vai trò đảng viên, đoàn viên, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong giải quyết, xử lý các vấn đề có liên quan đến công tác tôn giáo ở cơ sở…/.