Đây là cơ hội để 14 tỉnh, thành phố miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận tiếp cận với các nguồn đầu tư của các nhà tài trợ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện mức sống của người dân trong khu vực.
Cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội miền Trung
Tỉnh Quảng Trị đi lên từ một xuất phát điểm rất thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; công cuộc xóa đói giảm nghèo mặc dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc nhưng thiếu bền vững và tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung của cả nước, lại nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ hậu quả của biến đổi khí hậu, thường xuyên đối mặt với thiên tai, bão lụt, hạn hán, ngập mặn, sụt lún đất và tình trạng xói lở bờ sông bờ biển…
Cũng giống như Quảng Trị, hầu hết các tỉnh, thành phố trên dải đất miền Trung đều có xuất phát điểm thấp. Đây là vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng hàng năm luôn phải đối mặt với thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung. Nhiều chính sách đã được ban hành, góp phần vào sự phát triển của vùng, quy hoạch phát triển kinh tế vùng và cải thiện đời sống nhân dân. Khu vực miền Trung đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, hiện nay, miền Trung Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Cả 14 tỉnh miền Trung hiện là một trong những vùng đất khó khăn, với dân số chiếm 21,9% cả nước, nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ, nhịp độ tăng trưởng thấp, giai đoạn 2006-2010 chỉ đạt 5,9% thấp hơn mức bình quân của cả nước (6,8%), thu nhập bình quân đầu người đạt 14.718.000 đồng, bằng 66,31% mức bình quân chung của cả nước.
Tỷ lệ hộ nghèo các tỉnh duyên hải miền Trung chiếm tới 20,4% . Đặc biệt là vùng Bắc Trung Bộ vẫn được coi là một trong những vùng nghèo nhất, chỉ sau vùng miền núi Tây Bắc và Tây nguyên, chiếm đến 25 huyện nghèo trong tổng số 62 huyện nghèo của cả nước. Bên cạnh đó, hàng năm miền Trung còn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết Hội nghị CG này là cơ hội rất tốt để tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ và đối thoại giữa các nhà tài trợ, các cơ quan trung ương với các địa phương, qua đó cùng nhau đưa ra các sáng kiến, các chương trình hợp tác và các giải pháp hành động chung cũng như tạo điều kiện để xây dựng các định hướng hỗ trợ cho các tỉnh trong vùng một cách phù hợp, hiệu quả và sát thực tế; tạo điều kiện cho các tỉnh trong vùng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng miền Trung gánh chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt và còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề xóa đói giảm nghèo và giảm nhẹ thiên tai là vấn đề rất nặng nề đặt ra cho khu vực miền Trung của Chính phủ Việt Nam. Do vậy Hội nghị được tổ chức tại miền Trung này mang nhiều ý nghĩa.
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các nhà tài trợ
Trong những năm qua, các tỉnh trong khu vực miền Trung đã nhận được sự hỗ trợ to lớn của cộng đồng các nhà tài trợ thông qua các chương trình, dự án tăng cường năng lực, thể chế, chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, phát triển môi trường bền vững. Sự hỗ trợ của các nhà tài trợ đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai khu vực miền Trung.
Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã nhận được nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và tỉnh đã sử dụng nguồn vốn này rất là hiệu quả cho việc giảm nghèo của địa phương. Có thể nói, nguồn hỗ trợ từ các nhà tài trợ quốc tế rất cần thiết đối với tỉnh Thanh Hóa.
Trong khuôn khổ hội nghị CG này, các nhà tài trợ quốc tế đã tổ chức tham quan thực địa các công trình, dự án đã và đang được triểu khai tại Quảng Trị. Các nhà tài trợ đã đánh giá cao hiệu quả của các công trình, dự án được triển khai trong việc góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhận định về hiệu quả của các dự án do các nhà tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng số vốn của các nhà tài trợ quốc tế đã chuyển cho Việt Nam rất nhỏ so với những gì mà Chính phủ Việt Nam đã đầu tư và dành cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Sự phát triển của Việt Nam trong 20-25 năm qua đã chứng tỏ Việt Nam sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của các nhà tài trợ quốc tế.
Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong viêc xóa đói giảm nghèo. Phần đóng góp của các nhà tài trợ đã góp phần vào những thành công đó. Những dự án tài trợ của WB trong những năm qua cũng đã được đánh giá là rất thành công.
Cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam
Hội nghị lần này tiếp tục thể hiện sự cam kết của cộng đồng các nhà tài trợ nước ngoài nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội xóa đói giảm nghèo và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các nhà tài trợ đã đánh giá cao hiệu quả của các chương trình dự án đã được triển khai; đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới.
Thay mặt cộng đồng các nhà tài trợ cho Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đã khẳng định quyết tâm của các cộng đồng phát triển trong việc hỗ trợ những nỗ lực phát triển của Việt Nam.
“Chúng tôi rất trân trọng mối quan hệ hợp tác với Chính phủ Việt Nam. Mối quan hệ hợp tác lâu dài đó dựa trên sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Trong thời gian tới WB sẽ hỗ trợ Việt Nam dựa trên chiến lược 10 năm và kế hoạch 5 năm của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam đang là nước có thu nhập trung bình, WB sẽ hỗ trợ theo hướng hỗ trợ thành một nước có mức thu nhập cao hơn trung bình; đồng thời xây dựng thành đất nước công nghiệp hóa. Trọng tâm của chúng tôi hỗ trợ các ngành công nghiệp, phát triển con người, ngoài ra cũng tập trung vào lĩnh vực xoá đói giảm nghèo,” bà Victoria Kwakwa nói.
Với sự cam kết tài trợ của các nhà tài trợ quốc tế, đây sẽ là nguồn động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực miền Trung nói riêng và của Việt Nam nói chung, nhất là lĩnh vực xoá đói giảm nghèo và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Chính phủ Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ và mong các nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững. Việt Nam cam kết sử dụng nguồn vốn tài trợ một cách hiệu quả, minh bạch và phòng chống tiêu cực./.
Hội nghị Giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2012 (CG), vừa được tổ chức tại Quảng Trị đã tập trung bàn thảo về hai vấn đề chính là “Giảm nghèo bền vững” và “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai” cho khu vực miền Trung.
Dương Vương Lợi (TTXVN)