Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 kết thúc, thông qua 10 văn kiện

Các hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần 42 góp phần khẳng định những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 kết thúc, thông qua 10 văn kiện ảnh 1Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao ASEAN 42. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ngày 11/5, sau 3 ngày làm việc khẩn trương với 8 phiên họp thượng đỉnh và nhiều cuộc gặp song phương, Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” đã kết thúc thành công với nhiều văn kiện được thông qua trải rộng trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội của Cộng đồng ASEAN, cũng như các cuộc thảo luận về những vấn đề đang nổi lên trong và ngoài khu vực.

Hội nghị đã thông qua 10 văn kiện, trong đó có các tuyên bố chung về phát triển hệ sinh thái xe điện ở khu vực, Sáng kiến Một Sức khỏe ASEAN, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ, thành lập Mạng lưới Làng ASEAN, chống buôn người do lạm dụng công nghệ, bảo vệ lao động di cư trong các tình huống khủng hoảng, bảo vệ và thúc đẩy quyền của ngư dân di cư, và Lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên chính thức.

Đáng chú ý, hội nghị đã thảo luận và thông qua Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 với định hướng có tầm nhìn xa, truyền cảm hứng, mạnh mẽ, toàn diện, bao trùm và hướng tới tương lai, nhằm giải quyết các thách thức và xu hướng trong và ngoài khu vực trong 20 năm tới, đồng thời đặt thời gian biểu thông qua văn kiện này vào năm 2025.

Bên cạnh đó, hội nghị đã thông qua Tuyên bố về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN, trong đó tái khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN thực hiện các nỗ lực để duy trì vai trò trung tâm, sự thống nhất và phù hợp của ASEAN giữa những thách thức mà khu vực đang và sẽ phải đối mặt.

Lãnh đạo ASEAN cũng thảo luận tình hình thực hiện Đồng thuận 5 điểm (5PC) về Myanmar, đồng thời ra tuyên bố lên án vụ tấn công mới đây nhằm vào đoàn cứu trợ nhân đạo gồm nhân viên của Trung tâm Điều phối và hỗ trợ thảm họa khẩn cấp ASEAN (AHA) và Nhóm giám sát hỗ trợ nhân đạo của ASEAN.

[ASEAN cần đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, tinh thần tập thể]

Sự tham dự và các hoạt động liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ tại hội nghị đã góp phần khẳng định những đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam, góp phần xây dựng Cộng đồng, củng cố đoàn kết ASEAN, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra, giữ vững lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng, chủ động và tích cực cho tổ chức khu vực này.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 kết thúc, thông qua 10 văn kiện ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên Đối thoại giữa các lãnh đạo ASEAN và Nhóm công tác cấp cao về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhà ngoại giao kỳ cựu này cũng ghi nhận sự “chuyển mình” nhanh chóng và nhiều thành tựu phát triển vượt bậc của Việt Nam trong những năm vừa qua.

Với khoảng 100 triệu người, đứng thứ ba trong các nước ASEAN về quy mô dân số, đất nước hình chữ S là một trong những nước ASEAN thu hút rất nhiều sự quan tâm trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch và trao đổi thương mại.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid đánh giá Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các ưu tiên kinh tế của Chủ tịch ASEAN trong năm 2023.

Theo ông Arsjad Rasjid, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư trong và ngoài khu vực, cũng như tích cực tham gia các sáng kiến như Khu vực Thương mại Tự do ASEAN và mới đây đã bày tỏ mong muốn tham gia mạng lưới kết nối thanh toán xuyên biên giới vốn được cho là bước phát triển tích cực cho hội nhập kinh tế khu vực.

Ngoài ra, việc Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện Năng lượng gió ASEAN 2023 sắp tới là một đóng góp đáng kể cho các mục tiêu năng lượng tái tạo của khu vực.

Về phần mình, Đại sứ Timor Leste tại Indonesia Filomeno Aleixo da Cruz đã ghi nhận sự hỗ trợ rất nhiều của Việt Nam cho Timor-Leste kể từ những ngày đầu Dili nộp đơn xin gia nhập ASEAN, đồng thời bày tỏ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong tương lai, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tư cách thành viên của Timor Leste trong ASEAN thông qua các chương trình xây dựng năng lực và hoạt động hợp tác phát triển khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục