Chiều 30/6, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Australia đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Australia Đặc biệt về COVID-19 theo hình thức trực tuyến.
Được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam đại diện cho Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN dự Hội nghị.
Hai bên nhấn mạnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai, đòi hỏi các nước cần tiếp tục đề cao cảnh giác, nhất trí đẩy mạnh phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nâng cao năng lực dự phòng ứng phó và hợp tác kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả.
ASEAN và Australia nhất trí phối hợp chặt chẽ trong nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vắcxin phòng ngừa COVID-19 và thuốc điều trị, bảo đảm người dân được tiếp cận rộng rãi với thuốc và vắcxin.
Các bên khẳng định lại cam kết hỗ trợ công dân của nhau bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tạo điều kiện hồi hương nếu có nhu cầu và trong điều kiện phù hợp.
[ASEAN-Australia thảo luận các biện pháp ứng phó COVID-19]
ASEAN và Australia chia sẻ tiếp tục nỗ lực giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi, duy trì chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nhất là trao đổi các mặt hàng thiết yếu, nhất trí phối hợp trao đổi về các biện pháp từng bước giảm nhẹ, dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại giữa các nước, trong đó nghiên cứu khả năng lập “Hành lang đi lại” giữa các nước với các điều kiện y tế phù hợp.
Hai bên sẽ tăng cường tận dụng các cơ chế hiện có như Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand, các chương trình hỗ trợ kinh tế và hợp tác phát triển của Australia, cũng như đóng góp tích cực thúc đẩy thương mại đa phương, sớm hoàn tất ký kết Hiệp định RCEP.
Bên cạnh đó, các nước cũng nhấn mạnh sẽ phối hợp bảo đảm một môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và thượng tôn pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho tập trung các nỗ lực phòng chống dịch bệnh ở khu vực.
Các nước ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ của Australia trong hỗ trợ ASEAN phòng chống dịch bệnh cả trên bình diện khu vực và thông qua các chương trình hợp tác song phương.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đề nghị Australia tích cực ủng hộ các sáng kiến của ASEAN như Quỹ ASEAN Ứng phó dịch COVID-19 và Kho dự trữ vật tư y tế khu vực cũng như hỗ trợ ASEAN xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi và giảm thiểu các tác động của dịch bệnh, vừa được Lãnh đạo ASEAN thúc đẩy tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne tái khẳng định Australia coi trọng vai trò ASEAN, đặt ASEAN ở vị trí trung tâm trong chiến lược của Australia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Australia đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong ứng phó dịch COVID-19, cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính cho ASEAN và các nước trong khu vực nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế, kiểm soát dịch bệnh...
Nhân dịp này, Australia đã công bố một số đề xuất như Sáng kiến ASEAN-Australia về an ninh y tế, về hợp tác chính trị an ninh ASEAN-Australia, dành thêm học bổng y tế cho các nước ASEAN, dành khoản trợ giúp trị giá 280 triệu Đô-la Australia cho các nước ASEAN chống dịch...
Phát biểu thay mặt Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định ASEAN đã thể hiện quyết tâm chính trị ở mức cao nhất, đẩy mạnh phối hợp hành động và ứng phó chung theo tinh thần Gắn kết và Chủ động thích ứng của ASEAN năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh trong thời gian tới, ASEAN và Australia với tư cách là đối tác chiến lược của nhau, cần tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn phòng chống và điều trị dịch bệnh, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực; đề cao cảnh giác trước làn sóng thứ hai của dịch bệnh; quan tâm đảm bảo quyền lợi và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN tại Australia và đẩy mạnh hợp tác giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh hướng tới phục hồi bền vững.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cũng nhấn mạnh, trong hoàn cảnh hiện nay, các nước càng phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tránh có những hành động gây mất ổn định và ảnh hưởng tiêu cực các nỗ lực chống dịch bệnh./.