Trong khuôn khổ Hội nghị Báo chí toàn quốc diễn ra sáng 24/12 tại Hà Nội, lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí chia sẻ quan điểm rằng trong xu thế chuyển đổi số của thời đại, báo chí cần đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, có tác động xã hội lớn, được đông đảo dư luận quan tâm.
Nhiều cơ quan báo chí đã tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông khác nhau để tăng khả năng tiếp cận tốt nhất của người dân, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu, sở thích của công chúng, đặt độc giả ở vị trí trung tâm.
"Báo chí giải pháp, báo chí xây dựng"
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, chia sẻ quan điểm rằng báo chí cần đổi mới phương thức tuyên truyền, làm sao để ngay cả những nội dung mang tính chính trị khô khan cũng trở nên gần gũi, hấp dẫn với độc giả.
Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn báo chí phải “viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực, sao cho mỗi đồng bào, chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được,” ông Lê Quốc Minh cho rằng lời dạy của Bác vẫn luôn đúng cho đến tận ngày nay.
Lấy ví dụ từ việc tuyên truyền về các nghị quyết, chủ trương của Đảng, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng đây luôn là thách thức lớn với các phóng viên báo chí. Ngay cả nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí, các phóng viên, biên tập viên cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của các nghị quyết, trong khi đây chính là kim chỉ nam hoạt động cho cả một thời kỳ hoặc định hướng về những vấn đề then chốt.
Nhà báo Lê Quốc Minh chỉ ra một thực tế là nhiều phóng viên rất ngại khi được giao tuyên truyền nghị quyết bởi đây là vấn đề khó và khô khan.
“Rất nhiều bài báo, chương trình phát thanh-truyền hình với mục đích tuyên truyền nghị quyết thường sa vào lối mòn, kém hấp dẫn. Thậm chí rất nhiều nội dung chẳng khác nào những bản báo cáo mà ngay cả cán bộ, Đảng viên cần phải tiếp thu để chỉ đạo công việc cho đúng định hướng cũng ngại đọc, chứ đừng nói đến độc giả, khán thính giả phổ thông,” ông Minh chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Báo Nhân Dân, ông Lê Quốc Minh cho hay tờ báo đang đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức và cách tổ chức tuyên truyền.
Cụ thể, Báo Nhân Dân đã tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng trên mọi ấn phẩm, khai thác triệt để từng vấn đề và gợi ý các giải pháp, đúng với xu hướng mới của báo chí thế giới là “báo chí giải pháp” và “báo chí xây dựng” cùng quan điểm “đọc chậm” để thu nạp nhiều kiến thức, thay vì để bị cuốn đi trong cơn bão tin tức mỗi ngày.
Trong tham luận gửi tới Hội nghị, nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cũng cho hay đơn vị mình cũng mạnh dạn áp dụng mô hình mới, xây dựng các cơ sở dữ liệu cho các tuyến tin trọng điểm, đó là mở các trang thông tin chuyên biệt về Đại hội Đảng XIII (www.daihoidang.vn), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (www.baucuquochoi.vn), bức tranh toàn cảnh về công tác chống dịch của Việt Nam (https://ncov.vnanet.vn), chuyên mục Việt Nam và Hội đồng Bảo an (http://hdba.vnanet.vn), chuyên mục “Thông tin phản hồi, phản bác” (https://thongtinphanbac.vnanet.vn)...
Thông tin được thực hiện bằng các loại hình như văn bản, ảnh, truyền hình, đồ họa và bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau giúp người đọc không chỉ cập nhật thông tin thời sự mà còn được tiếp cận hệ thống dữ liệu, tư liệu quý giá của Thông tấn xã Việt Nam.
Như vậy, các cơ quan báo chí đã thay đổi cách đưa tin, đa dạng hóa các loại hình truyền thông hướng tới các đối tượng khác nhau để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Sự phát triển của công nghệ truyền thông hiện đại và xu hướng chuyển đổi số đã tạo điều kiện cho nhiều tờ báo “chuyển mình.”
Tăng 'views' nhờ cải cách
Trong năm nay, Báo Nhân Dân tập trung xây dựng lại fanpage trên Facebook, lập kênh TikTok và sản xuất podcast, chủ động nhắm vào đối tượng là thế hệ Z - những người trẻ sẽ đóng vai trò lớn trong tương lai phát triển của đất nước.
Tổng Biên tập Lê Quốc Minh cho hay số người theo dõi Facebook của báo tăng 5.000% chỉ sau một tháng cải cách, nhờ đó tờ báo kịp thời chuyển tải nhiều thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước đến đông đảo bạn đọc.
“Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng giới trẻ lên mạng xã hội chỉ tìm kiếm thông tin giải trí, các nội dung về đường lối, chính sách, về những quy định quy chế mới, về các vấn đề chính trị-xã hội trên Facebook fanpage hay tài khoản TikTok của Báo Nhân Dân luôn thu hút hàng chục, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt xem,” nhà báo Lê Quốc Minh chia sẻ.
[Báo chí thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, tạo đồng thuận]
Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Quốc hội Việt Nam, ông Lê Quang Minh tán thành việc đổi mới trong khâu tiếp cận độc giả, khán giả.
“Làm thế nào để báo chí thực sự là cầu nối giữa cử tri và cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp? Muốn trở thành cầu nối, chúng ta phải xây cầu, tức là xây các kênh phân phối. Và các nền tảng số mà các cơ quan báo chí sở hữu hoặc vận hành chính là những cây cầu đó,” ông đặt vấn đề.
Nhà báo Lê Quang Minh cho rằng càng ngày sẽ càng ít khán giả ngồi trước màn hình tivi để xem thời sự 45 phút nhưng nếu các Đài truyền hình chia nhỏ các tin bài, phóng sự và đưa lên các nền tảng số, số lượng khán giả nhiều khi còn tăng lên do tiếp cận được với người dùng trẻ vốn sinh hoạt thường xuyên trên mạng xã hội.
Ông cho rằng nền tảng số sẽ giúp các tòa soạn tương tác trực tiếp với khán giả, hiểu khán giả của mình là ai và đo lường được chính xác hiệu quả tuyên truyền của tờ báo. Song, để làm được điều đó, các phóng viên báo chí thời đại này không chỉ cần giỏi nghề mà còn phải giỏi cả công nghệ để tối ưu hóa các công cụ kỹ thuật số.
Đóng góp ý kiến cho Hội nghị báo chí, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet cho rằng các cơ quan báo chí cần thực hiện chuyển đổi số toàn bộ quy trình: Khâu sản xuất nội dung, biên tập, xuất bản, phát hành, kinh doanh, vận hành…
Nhà báo Phạm Anh Tuấn cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng về thể chế hơn là về công nghệ. Việc báo chí ứng dụng công nghệ để đổi mới sẽ có nhiều thứ vượt ra ngoài khuôn khổ quản lý trước đây. Do đó, báo chí rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Cơ quan báo chí cần được hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, nền tảng công nghệ để quản lý tòa soạn điện tử; cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin và giải quyết, khắc phục sự cố kịp thời. Nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các mô hình liên kết giữa báo chí với các công ty công nghệ số, nhà mạng viễn thông, các doanh nghiệp quảng cáo, các nền tảng phân phối nội dung xuyên biên giới,” ông nói.
Ngoài ra, việc thúc đẩy các mô hình liên kết giữa báo chí với các chủ thể kinh tế khác có thể giúp đa dạng hóa nguồn thu báo chí, khuyến khích phát triển và tăng cường sức mạnh cạnh tranh của ngành công nghiệp nội dung Việt Nam./.