Chiều 14/6, tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết từ ngày 18-20/6, tại Cần Thơ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ sẽ tổ chức Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững định hướng tương lai.
Theo Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng: "Hội nghị là sáng kiến do Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề xuất đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) lần thứ 13 tháng 11/2017 vừa qua, đã được nhiều nước ủng hộ, tham gia đồng bảo trợ như: Australia, Đan Mạch, Myanmar, Phần Lan, Hà Lan và Italy. Là sáng kiến đầu tiên của ASEM trong thập niên thứ ba liên quan đến hành động ứng phó biến đổi khí hậu, gắn với phát triển bền vững. Hội nghị góp phần đề xuất tầm nhìn của ASEM trong thập niên mới về ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, góp phần triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Đối với Việt Nam, đây là một trong những Hội nghị liên khu vực quan trọng nhất về biến đổi khí hậu và là Hội nghị duy nhất của ASEM Việt Nam đăng cai trong năm 2018. Hội nghị không chỉ thể hiện đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực của ASEM và toàn cầu, mà cùng tạo điều kiện để Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam tranh thủ ủng hộ và hợp tác, hỗ trợ của các đối tác Á-Âu, thiết thực triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu."
[Thủ tướng: Không để sạt lở gần hết mới chạy đi tìm nguồn lực]
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu, Đảng và Nhà nước đã chủ động triển khai xây dựng, ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu. Cụ thể như ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.”
Các bộ, ngành đã nghiên cứu, đề xuất và xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu, bao gồm Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2012, được cập nhật, công bố năm 2016; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam; Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long; Các cơ chế, chính sách khác về biến đổi khí hậu và vấn đề ưu tiên đầu tư cho thích ứng với biến đổi khí hậu.../.