Hội nghị ASEAN 17 để lại dấu ấn tốt đẹp với quốc tế

Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 để lại dấu ấn tốt đẹp trong bạn bè quốc tế và cho thấy quan hệ đối thoại, hợp tác của ASEAN ngày càng thực chất hơn.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, khép lại 3 ngày làm việc khẩn trương, sôi động của các nhà lãnh đạo cao nhất đến từ các quốc gia Đông Nam Á và 8 đối tác, với hơn 40 sự kiện ngoại giao quan trọng.

Chia tay hàng ngàn đại biểu quốc tế, hàng trăm nhà báo nước ngoài đến đưa tin về hội nghị, Thủ đô ngàn năm tuổi lại trở về với cuộc sống thường nhật, thanh bình, yên ả.

Song Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và trong tiến trình hợp tác ASEAN.

Với quyết tâm và nỗ lực “hành động” nhằm hiện thực hóa mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 đã đề ra các biện pháp cụ thể, đồng bộ, nhằm triển khai đúng tiến độ và hiệu quả các chương trình/kế hoạch đã đề ra, trên cơ sở Hiến chương ASEAN.

Không chỉ nhấn mạnh “văn hóa thực thi” trong ASEAN, các kế hoạch, tuyên bố hành động được thông qua tại hội nghị cấp cao lần này còn cho thấy các quan hệ đối thoại, hợp tác của ASEAN ngày càng thực chất hơn và hướng về nhân dân.

Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN đã được thông qua nhằm tăng cường kết nối cả về hạ tầng, thể chế và giữa người dân các nước ASEAN.

Tiếp theo sự ra đời của Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền và Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ các quyền phụ nữ-trẻ em, việc thông qua Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực và các kỹ năng cho phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững; Tuyên bố về tăng cường phúc lợi và phát triển của phụ nữ và trẻ em ASEAN; Tuyên bố ASEAN về hợp tác tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển, tại hội nghị cấp cao lần này, đã thể hiện nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân. Đây cũng là những sáng kiến do Việt Nam đề xuất và đạt được sự đồng thuận cao của các thành viên.

Nếu như đoàn kết và liên kết chặt chẽ nội khối làm nên sức mạnh của ASEAN, thì mở rộng quan hệ đối ngoại sẽ giúp ASEAN tranh thủ được sự hợp tác, hỗ trợ đắc lực từ bên ngoài, nhằm biến ước mơ trở thành hiện thực.

Chính vì vậy, ASEAN chủ trương tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đối thoại và hợp tác sẵn có theo hướng hiệu quả và thực chất hơn, đồng thời bảo đảm vai trò trung tâm của Hiệp hội trong một cấu trúc khu vực đang định hình.

Trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 17, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Chính phủ nhiều cường quốc trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Australia, New Zealand... đã có mặt tại Hà Nội để tham dự Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác, nhằm bàn biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ đối thoại và hợp tác giữa hai bên theo hướng ngày càng hiệu quả, thực chất hơn.

Quan hệ ASEAN-Liên hợp quốc được thúc đẩy theo hướng quan hệ đối tác đặc biệt. Quan hệ ASEAN-Hàn Quốc được nâng cấp thành đối tác chiến lược, như với Trung Quốc, Nhật Bản...

Lần đầu tiên Ngoại trưởng Nga và Hoa Kỳ, đại diện cho Tổng thống Nga và Hoa Kỳ, tham dự Cấp cao Đông Á lần thứ 5 với tư cách là “khách mời đặc biệt của Chủ tịch Hội nghị” để trao đổi về việc chuẩn bị cho hai nước này chính thức tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) từ năm 2011.

Sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều nước lớn, cho thấy vai trò và vị thế quốc tế của ASEAN ngày càng được nâng cao. Việc tăng cường đối thoại và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, mà còn góp phần vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực, cũng như trên thế giới.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ASEAN luôn thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm cao trước những vấn đề toàn cầu như phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, những vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh thế giới như tình hình Myanmar, bán đảo Triều Tiên, tình hình biển Đông...

Đến Hà Nội tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc lần thứ 3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ông rất mong đợi việc mở rộng hợp tác giữa Liên hợp quốc với ASEAN, bởi không một quốc gia nào có thể một mình giải quyết những vấn đề toàn cầu, và điều quan trọng là tất cả các quốc gia phải cùng nhau hợp tác chặt chẽ hơn nữa.

Tổng Thư ký đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, giải trừ quân bị, cuộc chiến chống lại đói nghèo và bệnh tật...

Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 không chỉ đánh dấu bước chuyển biến về chất trong tiến trình hợp tác của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác, mà đây còn là dịp để các nước trong và ngoài khu vực gặp gỡ, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương.

Nhân dịp này, các nước khu vực Mekong và Nhật Bản, các nước hạ nguồn Mekong và Hoa Kỳ đã bàn các biện pháp hợp tác hỗ trợ phát triển tiểu vùng Mekong, nhất là về cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, còn có Hội nghị cấp cao tam giác phát triển: Indonesia-Malaysia-Thái Lan; các cuộc gặp cấp cao Liên hợp quốc-Australia, Liên hợp quốc-New Zealand...

Trước thềm Hội nghị cấp cao, Hội nghị Thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) năm 2010, đã được tổ chức, tạo cơ hội quý báu cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà xây dựng chính sách, các học giả đến từ các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN, gặp gỡ trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh doanh, đầu tư trong cộng đồng ASEAN cũng như với các nước đối tác.

Nhiều văn kiện hợp tác cụ thể đã được ký kết trong dịp Hội nghị cấp cao, tạo cơ sở pháp lý tăng cường liên kết và hợp tác trong ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các đối tác, như văn kiện về về đối xử đặc biệt với gạo và đường, về thực hiện gói cam kết dịch vụ thứ 8, về kiểm tra xuất xứ hàng hóa giữa ASEAN và Trung Quốc...

Những thành công về mặt nội dung, cùng với công tác chuẩn bị hết sức chu đáo về lễ tân, hậu cần, đã làm nên thành công tốt đẹp của Hội nghị Cấp cao ASEAN 17.

Đánh giá cao công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa nêu rõ: “Qua việc tổ chức các hội nghị khu vực với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã có đóng góp lớn trong phát triển khu vực và đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch. Trên tinh thần đó, tôi đánh giá Hội nghị cấp cao ASEAN 17 tổ chức rất thành công.”

Ông cũng đánh giá cao những đề xuất, sáng kiến của Việt Nam: “Trong năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong một loạt các vấn đề nhằm nâng cao quan hệ giữa các nước trong khu vực. Việt Nam đã có sáng kiến về cứu trợ ngư dân trên biển khi gặp nạn và vấn đề ở Biển Đông.”

"Từ những thành công của Việt Nam, Indonesia với vai trò Chủ tịch trong năm 2011 sẽ tiếp tục triển khai những sáng kiến và đề xuất đưa ra tại hội nghị lần này," Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia nói.

Với Việt Nam, Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan lần này có ý nghĩa rất quan trọng và theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, "đây là đợt hoạt động đỉnh cao trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam."

Việc tổ chức thành công đợt Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 là sự đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam đối với tiến trình ASEAN trong năm qua, với tư cách là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao của Hiệp hội.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 thành công tốt đẹp; cùng với 5 chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nga, Tổng thống Indonesia, Tổng thống Philippines, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng Thư ký Liên hợp quốc; hơn 20 cuộc làm việc, tiếp xúc song phương ở cấp cao diễn ra đồng thời; hàng loạt văn kiện hợp tác được ký kết... không chỉ thể hiện trình độ chuyên nghiệp của ngoại giao Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện ngoại giao lớn, mà còn giới thiệu với bạn bè khu vực và quốc tế hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, đang phát triển năng động và chủ động, vững vàng trên bước đường hội nhập./.

(TTXVNVietnam+)

Tin cùng chuyên mục