Vai trò trong tương lai của Liên minh châu Âu (EU) và mối quan hệ giữa khối này với Nga và Mỹ là những chủ đề chính được thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 54, khai mạc chiều 16/2 (theo giờ địa phương).
Hội nghị an ninh lớn nhất thế giới này có sự tham dự của hơn 500 quan chức trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không phải lúc nào cũng êm ả cộng với những thách thức đối với trật tự thế giới, chủ yếu là xu hướng bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân tộc.
[Hiệp ước phòng thủ EU không phải mối đe dọa đối với NATO]
Tại hội nghị, dự kiến các đại biểu sẽ đề cập hàng loạt vấn đề an ninh quốc tế như các cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là các mối quan hệ đi xuống giữa các quốc gia vùng Vịnh, cũng như các diễn biến chính trị ở khu vực Sahel ở châu Phi.
Kiểm soát vũ khí cũng sẽ là một chủ đề được đưa ra bàn thảo, với trọng tâm là chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger cảnh báo thế giới đang bên bờ vực xung đột giữa các quốc gia, đồng thời cho rằng cần phải có các bước đi cụ thể.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các đại biểu tham dự hội nghị "không bỏ lỡ cơ hội đạt được một nghị quyết hòa bình" nhằm phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Guterres cảnh báo một giải pháp quân sự sẽ gây ra hậu quả lớn, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải gây sức ép toàn cầu để có thể đạt được giải pháp ngoại giao.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết mục tiêu của NATO là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, song nhấn mạnh chừng nào loại vũ khí hủy diệt này tồn tại, NATO sẽ tiếp tục là một liên minh hạt nhân.
Trong ngày làm việc đầu tiên của hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về tác động của công nghệ đối với nền dân chủ và các vấn đề kinh tế, cụ thể là trật tự kinh tế thế giới và sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Theo kế hoạch, Hội nghị An ninh Munich lần thứ 54 sẽ bế mạc vào ngày 18/2 tới./.