Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) đã khai mạc sáng 5/8 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippines ở thủ đô Manila với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và các đại biểu đến từ 10 nước thành viên.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phu nhân dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Trong không khí chào mừng kỷ niệm lần thứ 50 năm thành lập hiệp hội, các bộ trưởng đã điểm lại những thành tựu của ASEAN suốt chặng đường nửa thế kỷ qua, thảo luận và đề xuất các định hướng lớn cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN thời gian tới, trong đó, các bộ trưởng cho rằng thành tựu và giá trị lớn nhất của ASEAN đến nay là kiến tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác vì hòa bình, ổn định từ đó gắn kết các dân tộc, tạo sức mạnh tập thể cho các quốc gia trong khu vực, đồng thời tạo dựng văn hóa đối thoại và hợp tác vì phát triển giữa các nước.
Các bộ trưởng nhất trí đây chính là mục tiêu, là sứ mệnh lớn lao mà ASEAN có thể tự hào, trân trọng và tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trên tinh thần đó, các bộ trưởng đã kiểm điểm tình hình Triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể về chính trị-an ninh, kinh tế, và văn hóa-xã hội; thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề cần được khắc phục để nâng cao hơn nữa chất lượng hợp tác, nhất là về điều phối liên ngành, liên lĩnh vực cũng như hiệu quả hoạt động của các cơ quan, cơ chế của ASEAN.
Các bộ trưởng nhấn mạnh Cộng đồng ASEAN chỉ thực sự có ý nghĩa khi mang lại được lợi ích thiết thực cho người dân, do đó nhất trí tiếp tục thúc đẩy các chương trình hợp tác phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối và liên kết, nhất là thông qua triển khai hiệu quả Kế hoạch Công tác Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III, Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) và các biện pháp đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội.
Các bộ trưởng cũng đánh giá cao sáng kiến gắn kết triển khai Tầm nhìn 2025 với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, coi đây là ưu tiên quan trọng, nhất trí xây dựng lộ trình để thúc đẩy tính tương hỗ của hai văn kiện chiến lược này.
Bàn về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển mới trong quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, ghi nhận đóng góp tích cực của các đối tác hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, nhất trí sẽ đưa hợp tác với các đối tác vào chiều sâu, thực chất hơn.
Khẳng định đoàn kết và thống nhất là “chất kết dính hiệu quả,” giúp ASEAN vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong lịch sử, các bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay ASEAN càng cần phải gìn giữ và phát huy các giá trị này để tiếp tục thành công và phát triển vững mạnh.
Đối với các vấn đề của khu vực, ASEAN cần thể hiện được lập trường và tiếng nói chung, qua đó đóng góp tích cực vào các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định và phát triển, đồng thời, các nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy hình thành cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, trên cơ sở các diễn đàn và cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt.
Nhân dịp này, hội nghị cũng vinh danh các Nhà sáng lập ASEAN và hoan nghênh Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN, thể hiện sự ghi nhận vai trò và đóng góp quan trọng của ASEAN đối với các mục tiêu chung về hoà bình, an ninh và phát triển.
Trong thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế, các bộ trưởng chia sẻ quan ngại về các các thách thức an ninh chung ở khu vực, cả truyền thống và phi truyền thống, trong đó có sự gia tăng của nạn khủng bố và cướp biển, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.
Trước những biến động của tình hình thế giới và khu vực, các nước cam kết gia tăng nỗ lực đối thoại và hợp tác, đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực, đồng thời nâng cao tính “tự cường” của ASEAN trong xử lý các thách thức này.
Về tình hình Biển Đông, các nước chia sẻ nhận thức chung về duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh hiện nay, nhất là đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Các nước cần đóng góp hiệu quả và thiết thực duy trì hòa bình, ổn định, thông qua kiềm chế, xây dựng lòng tin và nhất là cần tránh các hành động có thể gây phương hại tới hoà bình, ổn định trong khu vực này, trong đó có bồi đắp, tôn tạo và quân sự hóa các thực thể trên biển.
[Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp xúc song phương tại AMM 50]
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định ý nghĩa quan trọng của mốc kỷ niệm 50 năm chặng đường các thành viên ASEAN đã đồng hành, “gắn bó với nhau bằng tình hữu nghị và hợp tác, và thông qua những nỗ lực chung bảo đảm cho nhân dân mình và cho các thế hệ mai sau được hưởng hòa bình, tự do và phồn vinh.”
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng chỉ ra những thách thức hiện nay đối với khu vực, trong đó có thương mại nội khối chưa cao, tác động không thuận của trào lưu chống toàn cầu hóa, việc tận dụng các thành quả của Cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0 còn chậm.
Từ đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề xuất một số biện pháp như:
Phát huy hiệu quả Cộng đồng Kinh tế ASEAN thông qua thực thi các biện pháp, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, gắn sáng kiến hợp tác ASEAN với các sáng kiến của các đối tác đang thúc đẩy ở khu vực;
Tăng cường công tác giáo dục đào tạo, thiết lập mạng lưới các cơ quan và viện nghiên cứu về khoa học công nghệ, thúc đẩy thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác IAI nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo;
Đẩy nhanh tiến độ cải cách thể chế và hoạt động bộ máy của ASEAN, xây dựng tiêu chuẩn chung cho các cuộc họp ASEAN, tăng cường vai trò của cơ chế điều phối chung trong chỉ đạo định hướng cho các vấn đề liên ngành để đảm bảo triển khai các chương trình, kế hoạch trong tất cả các trụ cột một cách đồng bộ, hiệu quả và toàn diện.
Đề cập tới Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với hòa bình, ổn định của khu vực; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh cần giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao; các nước cần tiếp tục ủng hộ các nỗ lực xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột.
Trưởng đoàn Việt Nam cũng khẳng định xây dựng cách tiếp cận phù hợp, thoả đáng về Biển Đông, một mặt là đóng góp thiết thực của ASEAN đối với hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực; mặt khác chính là thước đo năng lực, hiệu quả của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc tiếp tục thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đề nghị ASEAN đẩy mạnh trao đổi với Trung Quốc, sớm khởi động đàm phán thực chất Bộ Quy tắc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý.
Về các vấn đề an ninh phi truyền thống, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực của khủng bố và cướp biển đối với an ninh, ổn định xã hội ở khu vực, khẳng định cam kết sẽ cùng ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong các cơ chế và khuôn khổ khu vực để ứng phó với các vấn đề này./.