Hội nghị ADSOM+ tại Campuchia thành công tốt đẹp

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN.
Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM+) tổ chức ngày 26/4 tại Siem Reap, Campuchia đã nhất trí về nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác, trong đó có việc tăng tần suất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), từ 3 năm/lần lên 2 năm/lần, vì lợi ích của mỗi quốc gia và vì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Dự Hội nghị ADSOM+, do Đại tướng Neang Phat, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Campuchia chủ trì, có đoàn đại biểu của 10 nước ASEAN và tám nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Mỹ.

[Hội nghị Quan chức quốc phòng ASEAN mở rộng]


Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh làm Trưởng đoàn.

Trước khi Hội nghị khai mạc, các trưởng đoàn đã tới chào xã giao Đại tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia.

Tại Hội nghị, các đoàn đều nêu bật tầm quan trọng của ADMM+ trong cấu trúc an ninh khu vực. Các nước đối tác bày tỏ sự ủng hộ vai trò trung tâm, mang tính dẫn dắt của ASEAN đối với cơ chế hợp tác này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ: “Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN khác mong muốn các nước với thế mạnh của mình can dự tích cực hơn vào khu vực với những nguyên tắc đã được xác định là can dự bằng biện pháp hòa bình, với mục đích vì hòa bình và ổn định và phát triển ở khu vực. Tuy nhiên, sự hợp tác này phải bảo đảm được tính trung tâm của ASEAN, cũng như củng cố sự đoàn kết và ổn định của khu vực.”

Hội nghị ADSOM+ cũng nghe báo cáo cập nhật hoạt động của các nhóm chuyên gia về các lĩnh vực hợp tác ưu tiên đã được Hội nghị ADMM+ đầu tiên xác định, và đã đánh giá cao tốc độ, nội dung làm việc và trách nhiệm của Nhóm Chuyên gia về Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HARD), do Việt Nam và Trung Quốc đồng chủ trì.

Trong phần trao đổi về an ninh khu vực, các nước đều đánh giá tích cực hơn về an ninh khu vực khi trong năm qua về cơ bản không xảy ra xung đột, lợi ích của các quốc gia được tôn trọng.

Tuy nhiên, các nước cũng đề cập đến những nguy cơ tiềm ẩn trong khu vực như vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vấn đề an ninh phi truyền thống với sự biến đổi khí hậu, môi trường hết sức phức tạp, ví dụ như an ninh nguồn nước sông Mekong.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: “An ninh nguồn nước sông Mekong liên quan trực tiếp tới Việt Nam, Myanmar, Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan, song đây không chỉ là vấn đề của các nước sở hữu nguồn nước Mekong mà là vấn đề chung của khu vực. Nó cũng không đơn thuần là vấn đề môi trường, kinh tế mà còn là vấn đề an ninh. Vì vậy chúng tôi mong muốn tinh thần trách nhiệm và sự can dự nhiều hơn của các nước có chung dòng Mekong và cộng đồng quốc tế để giải quyết thách thức tiềm ẩn này.”

Vấn đề an ninh biển, trong đó có Biển Đông, được hầu hết các đoàn dự Hội nghị đề cập tới.

Các đại biểu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn và tự do hàng hải, nhất trí cần giải quyết hòa bình các vấn đề trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), cũng như các cam kết khu vực mà các nước ASEAN và các nước đối tác đã cùng nhau ký kết.

Trưởng đoàn New Zealand phát biểu: “Là một trong những thành viên sáng lập Liên hợp quốc, New Zealand cho rằng, UNCLOS 1982 là cơ sở để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.”

Trong khi đó, đoàn Thái Lan cho rằng, "Vấn đề tự do đi lại trên Biển Đông, cả trên không và trên biển là hết sức quan trọng đối với tất cả các nước. Vấn đề này cần giải quyết hòa bình trên cơ sơ luật pháp quốc tế và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Chúng tôi đặc biệt ủng hộ quá trình tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)."

Nhật Bản và Campuchia ủng hộ việc mở rộng Diễn đàn An ninh biển, trong khi đó, đoàn Mỹ lên tiếng hoan nghênh những tiến triển gần đây trong việc xây dựng COC.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, các vấn đề trên biển nói chung hay Biển Đông nói riêng phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982, DOC mà các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002 và tiến tới xây dựng COC.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: "Tuy nhiên, khi tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế thì tất cả các nước đều phải có cách hiểu và luận giải giống nhau về luật pháp quốc tế. Chúng ta thường nghe tới cụm từ “tiêu chuẩn kép,” đó chính là hậu quả của việc hiểu và luận giải không giống nhau về luật pháp quốc tế.”

Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tại Biển Đông tồn tại một số vấn đề.

Thượng tướng phát biểu: “Những vấn đề mang tính quốc tế như an ninh hàng hải, tự do thương mại, lao động hòa bình trên biển thì tất cả các nước phải đóng góp ý kiến. Vấn đề liên quan tới 3, 4 nước thì các nước này phải cùng nhau thảo luận. Vấn đề song phương thì rõ ràng hai nước liên quan phải giải quyết với nhau. Nhưng dù giải quyết trên bình diện nào thì cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng lợi ích các nước trong khu vực và trên thế giới, công khai minh bạch và lắng nghe ý kiến cộng đồng thế giới. Tôi tin với cách nhìn vì cả lợi ích quốc gia lẫn lợi ích khu vực như vậy thì các nước sẽ tìm được tiếng nói chung để từng bước giải quyết những vấn đề trên Biển Đông, cũng như các vấn đề khác, để kiến tạo môi trường hòa bình và thịnh vượng hơn.”

Trưởng đoàn Việt Nam cũng cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã nỗ lực tăng cường hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cả trên bình diện đa phương cũng như trên bình diện song phương, nổi bật nhất là Thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc cuối năm 2011 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thỏa thuận này đã đóng góp tích cực vào mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời tôn trọng lợi ích của các nước ASEAN và các quốc gia trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và những điều ước khu vực.

Bên lề Hội nghị ADSOM+, đoàn Việt Nam có các cuộc tiếp xúc song phương với đoàn Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Bên cạnh việc trao đổi các vấn đề đa phương, các cuộc gặp đã kiểm điểm những cam kết trong hợp tác song phương và thống nhất nội dung hợp tác cụ thể để hiện thực hóa trong năm 2012./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục