Sau hai ngày thảo luận, Hội nghị Cấp cao Á-Phi (AAC) đã chính thức bế mạc ngày 23/4 tại thủ đô Jakarta của Indonesia với việc thông qua 3 văn kiện quan trọng với cam kết củng cố Quan hệ hợp tác chiến lược Á-Phi mới (NAASP).
Phát biểu tại lễ bế mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm Thông điệp Bandung, Tuyên bố về củng cố NAASP và Tuyên bố về Palestine.
Lãnh đạo các nước cam kết tăng cường hợp tác trong khuôn khổ NAASP với NAASP là nền tảng và là cầu nối giữa các quốc gia ở châu Á và châu Phi.
Các đại biểu đã nhất trí tổ chức các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng hai năm/lần nhằm cung cấp định hướng cho chiến lược phát triển hợp tác Á-Phi, thống nhất củng cố bộ máy hoạt động của NAASP bằng việc áp dụng cơ chế chủ tịch luân phiên NAASP 4 năm/lần dựa trên Tuyên bố NAASP năm 2005.
Các nhà lãnh đạo và đoàn đại biểu cũng đã tập trung thảo luận các bước đi nhằm đảo bảo nguồn lực tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng khu vực Á-Phi, trong đó có việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Các bên nhất trí rằng hợp tác hàng hải tiếp tục là một trong những trụ cột của quan hệ hợp tác chiến lược Á-Phi mới.
Trong Tuyên bố về củng cố NAASP, các nhà lãnh đạo khu vực đã kêu gọi tiếp tục nỗ lực cải cách Liên hợp quốc, trong đó có tái cơ cấu Đại hội đồng Liên hợp quốc và cải cách toàn diện Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Việc cải cách Liên hợp quốc sẽ mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển, trong khi việc cải tổ Hội đồng Bảo an sẽ tăng cường tiếng nói của châu Á và châu Phi trong các vấn đề quốc tế.
Hội nghị nhất trí lấy ngày 24/4 hàng năm là Ngày Á-Phi và Bandung là thủ đô của tình đoàn kết Á-Phi, thúc đẩy giao lưu nhân dân, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh, xã hội, học thuật, truyền thông, thanh niên và thể thao.
Hội nghị AAC năm nay, với chủ đề "Tăng cường hợp tác Nam-Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới," là một phần trong các sự kiện liên quan đến Hội nghị Á-Phi diễn ra trong năm, đã thu hút sự tham dự của các nhà lãnh đạo và đại biểu của khoảng 100 nước châu Á và châu Phi, 15 nước quan sát viên và 17 tổ chức quốc tế./.