Hội nghị 3 bên Nhật-Hàn-Triều đã diễn ra "trên tinh thần xây dựng"

Bộ Ngoại giao Phần Lan ra tuyên bố cho biết cuộc gặp đã kết thúc ngày 21/3 và các bên đã thảo luận cách thức nhằm xây dựng niềm tin và giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Hội nghị 3 bên Nhật-Hàn-Triều đã diễn ra "trên tinh thần xây dựng" ảnh 1Vụ phó Vụ các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Kang-il. (Nguồn: AP)

Bộ Ngoại giao Phần Lan ngày 21/3 ra tuyên bố cho biết các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành trao đổi "trên tinh thần xây dựng."

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Vụ châu Á thuộc bộ trên, Kimmo Lahdevirta, cho biết cuộc gặp đã kết thúc ngày 21/3 và các bên đã thảo luận cách thức nhằm xây dựng niềm tin và giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông nhấn mạnh: "Các đại biểu đã trao đổi quan điểm trong không khí tích cực và trên tinh thần xây dựng."

Hội nghị ba bên nói trên có sự tham gia của 18 đại biểu đến từ Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên.

Phái đoàn Triều Tiên do ông Choe Kang-il, Vụ phó Vụ các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, dẫn đầu.

[Mỹ chuẩn bị phương án quân sự với Triều Tiên nếu ngoại giao thất bại]

Cuộc gặp tại Helsinki chủ yếu mang tính chất đánh giá học thuật tình hình trên Bán đảo Triều Tiên từ quan điểm chính trị quốc tế.

Cuộc gặp được xem là một trong các động thái nhằm chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và với Mỹ, dự kiến vào tháng Tư và tháng Năm.

Trước đó, một phái đoàn của Triều Tiên do Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho đã thăm Thụy Điển để trao đổi về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngoại trưởng Margot Wallstrom bày tỏ ý định tiếp tục đóng vai trò xây dựng tích cực trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Hai bên nhất trí duy trì liên lạc và phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới.

Thụy Điển có mối quan hệ lâu đời với Triều Tiên. Nước này mở Đại sứ quán ở Bình Nhưỡng vào năm 1975 và đây là cơ quan ngoại giao đầu tiên của một nước phương Tây tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Thụy Điển cũng đại diện cho các lợi ích của Mỹ, Canada và Australia ở Triều Tiên và được coi là kênh liên lạc không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trong một diễn biến khác cùng ngày 21/3, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết động thái xoa dịu căng thẳng của nước này trên Bán đảo Triều Tiên là bằng chứng chứng minh sự tự tin và sức mạnh quốc gia của Triều Tiên, chứ không phải dấu hiệu của sự yếu kém.

KCNA cũng phê phán các cựu quan chức và quan chức đương nhiệm ở Mỹ và Nhật Bản, cũng như nhiều nhân vật bảo thủ ở Hàn Quốc, đã “bóp méo sự thật” về những nỗ lực hòa giải của Triều Tiên bằng cách tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt đã buộc Bình Nhưỡng phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Tuyên bố trên gây bất ngờ bởi lâu nay truyền thông Triều Tiên hầu như không đưa tin về bất kỳ hoạt động ngoại giao nào của Bình Nhưỡng.

Cho tới nay, chỉ có các quan chức Mỹ và Hàn Quốc thông báo việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lên kế hoạch tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục