Chị hai hát "Mời trầu" lại nhầm lời sang bài "Giã bạn," anh hai mấy phen phải dừng hát vì sai nhạc. Khán giả cười vang, nhưng không phải cười chê mà là cười động viên và vỗ tay cổ vũ bởi anh hai, chị hai ấy là khách phương xa đến giao lưu với Hội. Không khí xuân tưng bừng không chỉ bởi những làn điệu, những lời hát hay, chuẩn mà còn bởi tình du khách yêu quan họ.
Khúc biến tấu quan họ Hội Lim
Phải lấy hết can đảm, Lan Anh (Thanh Trì, Hà Nội) mới dám bước vào trại của quan họ làng Diềm để xin được hát giao lưu với liền anh, liền chị. “Lúng liếng là lúng ới a liếng ơi…”, màn giao lưu quan họ bắt đầu.
Tiếng hát không được vang, rền, nền, nẩy như người quan họ nhưng khán giả vẫn vỗ tay cổ vũ nhiệt tình, nhất là những khi cô sai nhạc.
Như có thêm động lực, sau Lan Anh, rất nhiều du khách mạnh dạn bước ra sân khấu để hát cho thỏa lòng yêu quan họ của mình. Này là "Còn duyên", này là "Ngồi tựa song đào," "Cây trúc xinh," "Hoa thơm bướm lượn."
Không phải du khách nào cũng thuộc lời. Không thuộc lời thì đây, anh hai, chị hai đã chuẩn bị sẵn những cuốn sách nhỏ ghi lại các bài quan họ. Khách tay cầm micro, tay cầm sách, những câu ca quan họ lại ngân vang: “Em với chàng muốn kết, phú lý tình, là kết nhân duyên…”
Các liền anh, liền chị ban đầu còn hát cùng để giúp khách biết cách vào nhạc cho chuẩn, cân lại những lúc lời hát phiêu linh hay sai giọng. Nhưng khi khách quan họ thăng hoa với cảm xúc thì này lời, này nhạc đều không còn quan trọng, chỉ còn cảm hứng của người chơi. Anh hai, chị hai quan họ đành..."chào thua," bỏ micro để vỗ tay cổ vũ. Khán giả cũng vỗ tay rào rào. Khúc biến tấu quan họ ngẫu hứng đã làm cho không khí hội xuân thêm sôi động.
Điểm hẹn những người con Kinh Bắc
Trong số khách phương xa ấy, có không ít những người con của Bắc Ninh xa xứ. Họ về Hội Lim để thăm quê, để tìm lại một phần thiêng liêng của lòng mình, để nghe hồn quê thấm vào trái tim.
Đã hơn 30 năm phiêu bạt tận Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Thế Bạch (Tiên Du, Bắc Ninh) luôn nhớ lịch Hội Lim để mỗi năm lại về thăm quê một lần đúng vào ngày này. “Vì cuộc sống mưu sinh nên phải xa quê, nhưng với tôi, quê hương vẫn là một phần máu thịt của mình. Và Hội Lim là linh hồn của quê hương, là điển hình của văn hóa truyền thống Kinh Bắc. Vì thế tôi phải trở về, phải nghe quan họ,” ông Bạch tâm sự.
Cũng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh như ông Bạch nhưng chị Nguyễn Thị Thanh (Thuận Thành, Bắc Ninh) không có điều kiện để về quê thường xuyên. Đã 10 năm xa quê, nay chị mới được về với Hội Lim. “Thật khó diễn tả được cảm xúc của lòng mình lúc này. Một cảm giác vừa xao xuyến, vừa rộn ràng. Chưa cần đến Hội, chỉ nghe tiếng nhạc, tiếng hát từ xa, tôi đã thấy rất rõ tim mình đập nhanh hơn,” chị Thanh xúc động nói.
10 năm xa quê, nhưng chị vẫn thuộc những lời ca mượt mà đằm thắm. Không mặc áo tứ thân, không khăn mỏ quạ, chị hát giao duyên với liền anh quan họ.
Lời rằng “người ơi người ở đừng về” như cất lên từ chính trái tim yêu thương dồn nén chất chứa cả chục năm trời của người con gái sinh ra và lớn lên bên bờ sông Đuống./.
Khúc biến tấu quan họ Hội Lim
Phải lấy hết can đảm, Lan Anh (Thanh Trì, Hà Nội) mới dám bước vào trại của quan họ làng Diềm để xin được hát giao lưu với liền anh, liền chị. “Lúng liếng là lúng ới a liếng ơi…”, màn giao lưu quan họ bắt đầu.
Tiếng hát không được vang, rền, nền, nẩy như người quan họ nhưng khán giả vẫn vỗ tay cổ vũ nhiệt tình, nhất là những khi cô sai nhạc.
Như có thêm động lực, sau Lan Anh, rất nhiều du khách mạnh dạn bước ra sân khấu để hát cho thỏa lòng yêu quan họ của mình. Này là "Còn duyên", này là "Ngồi tựa song đào," "Cây trúc xinh," "Hoa thơm bướm lượn."
Không phải du khách nào cũng thuộc lời. Không thuộc lời thì đây, anh hai, chị hai đã chuẩn bị sẵn những cuốn sách nhỏ ghi lại các bài quan họ. Khách tay cầm micro, tay cầm sách, những câu ca quan họ lại ngân vang: “Em với chàng muốn kết, phú lý tình, là kết nhân duyên…”
Các liền anh, liền chị ban đầu còn hát cùng để giúp khách biết cách vào nhạc cho chuẩn, cân lại những lúc lời hát phiêu linh hay sai giọng. Nhưng khi khách quan họ thăng hoa với cảm xúc thì này lời, này nhạc đều không còn quan trọng, chỉ còn cảm hứng của người chơi. Anh hai, chị hai quan họ đành..."chào thua," bỏ micro để vỗ tay cổ vũ. Khán giả cũng vỗ tay rào rào. Khúc biến tấu quan họ ngẫu hứng đã làm cho không khí hội xuân thêm sôi động.
Điểm hẹn những người con Kinh Bắc
Trong số khách phương xa ấy, có không ít những người con của Bắc Ninh xa xứ. Họ về Hội Lim để thăm quê, để tìm lại một phần thiêng liêng của lòng mình, để nghe hồn quê thấm vào trái tim.
Đã hơn 30 năm phiêu bạt tận Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Thế Bạch (Tiên Du, Bắc Ninh) luôn nhớ lịch Hội Lim để mỗi năm lại về thăm quê một lần đúng vào ngày này. “Vì cuộc sống mưu sinh nên phải xa quê, nhưng với tôi, quê hương vẫn là một phần máu thịt của mình. Và Hội Lim là linh hồn của quê hương, là điển hình của văn hóa truyền thống Kinh Bắc. Vì thế tôi phải trở về, phải nghe quan họ,” ông Bạch tâm sự.
Cũng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh như ông Bạch nhưng chị Nguyễn Thị Thanh (Thuận Thành, Bắc Ninh) không có điều kiện để về quê thường xuyên. Đã 10 năm xa quê, nay chị mới được về với Hội Lim. “Thật khó diễn tả được cảm xúc của lòng mình lúc này. Một cảm giác vừa xao xuyến, vừa rộn ràng. Chưa cần đến Hội, chỉ nghe tiếng nhạc, tiếng hát từ xa, tôi đã thấy rất rõ tim mình đập nhanh hơn,” chị Thanh xúc động nói.
10 năm xa quê, nhưng chị vẫn thuộc những lời ca mượt mà đằm thắm. Không mặc áo tứ thân, không khăn mỏ quạ, chị hát giao duyên với liền anh quan họ.
Lời rằng “người ơi người ở đừng về” như cất lên từ chính trái tim yêu thương dồn nén chất chứa cả chục năm trời của người con gái sinh ra và lớn lên bên bờ sông Đuống./.
Phạm Mai (Vietnam+)