Hội đồng Tổng thống mới của Libya thảo luận về thành lập chính phủ mới

Hội đồng tổng thống nhấn mạnh sự cần thiết phải lựa chọn những thành viên cho chính phủ mới đủ năng lực dẫn dắt và mở đường cho các cuộc bầu cử sắp tới.
Hội đồng Tổng thống mới của Libya thảo luận về thành lập chính phủ mới ảnh 1Các đại biểu tham dự Diễn đàn chính trị Libya gần Geneva, Thụy Sĩ ngày 1/2/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/1, Hội đồng tổng thống của Libya và thủ tướng nước này đã tiến hành cuộc họp đầu tiên tại thủ đô Tripoli để thảo luận việc thành lập chính phủ mới.

Trong một tuyên bố, 3 thành viên của Hội đồng tổng thống đã nhấn mạnh sự cần thiết phải lựa chọn những thành viên cho chính phủ mới đủ năng lực dẫn dắt và mở đường cho các cuộc bầu cử sắp tới, đạt được mục tiêu bảo vệ công lý và hòa giải dân tộc toàn diện.

Hội đồng cũng thảo luận với Ủy ban quân sự chung Libya về việc mở lại tuyến đường duyên hải giữa các thành bố Misurata và Sirte theo thỏa thuận ngừng bắn tại Libya.

[Đặc phái viên Liên hợp quốc lên án vụ ám sát Bộ trưởng Nội vụ Libya]

Đầu tháng này, Diễn đàn đối thoại chính trị Libya (LPDF) do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) đã lựa chọn những nhà lãnh đạo mới cho đất nước với sự nhất trí của các bên tham dự.

Ông Mohammad Younes Menfi đứng đầu Hội đồng tổng thống và ông Abdul Hamid Mohammed Dbeibah giữ chức thủ tướng.

LPDF bầu chọn cơ quan tạm quyền giám sát Libya như một phần trong nỗ lực tái thiết các thể chế nhà nước và tiến đến cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 24/12 tới.

Theo Liên hợp quốc, Hội đồng tổng thống có nhiệm vụ gắn kết các cơ quan nhà nước và đảm bảo an ninh cho đến khi tiến hành bầu cử tại Libya.

Sau khi rơi vào cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ và Liên hợp quốc công nhận, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga.

Ngày 23/10/2020, tại Geneva, đại diện của GNA và LNA đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của Liên hợp quốc.

Bất chấp nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Liên hợp quốc tại Libya, quan ngại về tình trạng bạo lực ở quốc gia Bắc Phi này vẫn gia tăng, đặc biệt sau vụ ám sát bất thành Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha xảy ra ngày 21/2 tại thủ đô Tripoli.

Ngay sau vụ việc, người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) Jan Kubis cùng ngày đã bày tỏ đặc biệt quan ngại và lên án vụ việc nghiêm trọng trên.

Trên mạng xã hội Twitter, người đứng đầu UNSMIL nêu rõ: "Những hành động liều lĩnh như vậy gây ra các mối đe dọa đối với sự ổn định và an ninh, đồng thời làm chệch hướng tiến trình chính trị và các nỗ lực khác nhằm hỗ trợ Libya và người dân nước này."

Ông Kubis kêu gọi tiến hành cuộc điều tra toàn diện, nhanh chóng và minh bạch về vụ việc.

Theo trợ lý của Bộ trưởng Nội vụ Bashagha, các đối tượng trên một xe bọc thép đã dùng súng máy bắn vào ông Bashagha trên đường cao tốc gần thủ đô Tripoli khi ông đang trên đường về nhà.

Hiện 2 đối tượng tấn công đã bị bắt giữ trong khi đối tượng thứ 3 đã chết tại bệnh viện sau đó. Bộ trưởng Bashagha được xác nhận an toàn và không bị thương.

Ông Bashagha, 58 tuổi, đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Nội vụ của GNA từ năm 2018 và từng được coi là ứng cử viên cho chức Thủ tướng chính phủ lâm thời mới tại Libya trong nỗ lực hòa bình của Liên hợp quốc sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng 10 năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục